Con bị ảnh hưởng gì nếu mẹ bầu thiếu máu do thiếu sắt ?
PGS TS Vũ Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, thiếu sắt ở phụ nữ mang thai là vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng tại nhiều quốc gia. Bởi, hậu quả của thiếu sắt rất nặng nề. Bà mẹ thiếu máu dễ sảy thai, nhau bong non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, chất lượng sinh nở và cho con bú thấp…
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo khoa học chuyên đề ”Cập nhật dự phòng và điều trị thiếu sắt/thiếu máu do thiếu sắt” do Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức tại Hà Nội.
Mẹ thiếu máu, con có thể bị ảnh hưởng lâu dài tới trí não
Theo PGS Quyết, trẻ sinh ra bởi những người mẹ thiếu máu cũng dễ bị thiếu máu, nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Trẻ sơ sinh thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài tới phát triển trí não và hậu quả của nó có thể tiếp tục làm suy giảm khả năng học tập của trẻ do khiếm khuyết trong hình thành myelin do thiếu sắt. Con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác khi đến tuổi trưởng thành.
PGS Quyết cũng thông tin thêm, nguyên nhân của thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ mang thai là do nhu cầu sắt cần nhiều hơn để cung cấp cho thai nhi. Nhu cầu sắt tăng nhiều nhất ở quý 2 và quý 3 của thai kỳ, tăng lên 5 – 7 lần. Do nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai tăng cao nhưng chế độ ăn khó đáp ứng đủ nên lên đến 5 – 7 lần. Vì vậy, WHO khuyến cáo: Phụ nữ mang thai cần uống bổ sung sắt trong 6 tháng cuối của thai kỳ, ở vùng tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ có thai trên 40 % thì phải bổ sung tiếp tục 3 tháng sau khi sinh.
Tuy nhiên, PGS Quyết cho biết, uống thuốc sắt ở phụ nữ không dễ dàng. Một số thai phụ tự ý ngưng uống thuốc sắt vì thấy các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn, tiêu chảy. PGS Quyết khuyến cáo, phụ nữ có thai uống bổ sung sắt trong thời gian dài nên lựa chọn các sản phẩm không gây lắng đọng sắt ở tổ chức khi hấp thu thừa, vì vậy thai phụ nên lựa chọn sắt III dạng phức hợp dễ hấp thu hơn là dạng sắt sunfat, ít gây tác dụng phụ nhất là trên đường tiêu hoá và không gây lắng đọng sắt làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể.
Nhiều người còn thờ ơ với việc bổ sung sắt
Cũng tại hội thảo, PGS TS Đào Minh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu sức khoẻ trẻ em cho biết, sắt là một trong những yếu tố vi lượng quan trọng nhất đối với sự tồn tại và hoạt động của cơ thể. Trẻ em và phụ nữ là hai đối tượng dễ bị thiếu hụt sắt nhất do nhu cầu cao và nguy cơ mất sắt nhiều. PGS.TS Tuấn cũng chia sẻ ông gặp khá nhiều trẻ thường xuyên bị nhiễm khuẩn, viêm nhiễm như viêm mũi, viêm họng khi tìm ra thủ phạm chính đó là thiếu sắt mà cha mẹ không biết. Nhiều người còn thơ ơ với việc bổ sung sắt, nhất là với trẻ em. Sắt đối với trẻ vô cùng quan trọng.
Sắt dễ hấp thu nhưng cũng dễ đào thải và với bất cứ ai, PGS Tuấn cho rằng cần nhớ 3 thứ cực kỳ quan trọng đó là vitamin A, sắt và I ot. Sắt trong ở thể chủ yếu ở 3 dạng Hemoglobin, ferritin và Myoglobin.
“Ai cũng biết, khi thiếu sắt gây hậu quả lớn nhất là thiếu máu. Tuy nhiên, thiếu sắt còn là nguyên nhân của hàng loạt thương tổn ở các cơ quan khác như tiêu hoá như rối loạn hấp thụ, rối loạn chức năng, thần kinh (giảm phản xạ, suy yếu tinh thần, tư duy, giảm tập trung, rối loạn dẫn truyền thần kinh). Thiếu sắt còn ảnh hưởng tới miễn dịch (làm suy giảm đề kháng, tăng cường nguy cơ nhiễm khuẩn, sa sút nồng độ, enzyme và các globumin miễn dịch). Thiếu sắt còn ảnh hưởng tới các enzym trong cơ ảnh hưởng đến việc vận động như giảm vận động, hệ thống cơ vân suy yếu và tăng nguy cơ ngộ độc nhất là ngộ độc chì”, PGS Tuấn nhấn mạnh.
PGS.TS Tuấn khuyến cáo, nhu cầu bổ sung sắt hàng ngày đối với trẻ từ 1-10 tuổi là 7-10mg/ngày, với phụ nữ có thai là 27mg/ngày, phụ nữ trong độ tuổi từ 19 -50 là 18mg/ngày. Trong đó, nhu cầu sử dụng sắt ở trẻ em rất cao, vì vậy WHO khuyến cáo trẻ em nên được bổ sung sắt hàng ngày từ 6 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi ở những vùng tỷ lệ thiếu máu cao. Với trẻ sinh non nên bổ sung sắt hàng ngày từ 2 đến 24 tháng tuổi.
Bổ sung sắt trước hết bằng đường ăn uống, sắt có nhiều trong thịt đỏ như thị bò, thịt lợn, trong rau xanh như , củ rền đỏ, cải bó xôi. Ngoài ra, bổ sung sắt bằng đường uống nên lựa chọn loại dễ sử dụng như giọt hay siro với trẻ nhỏ, còn trẻ trên 12 tuổi có thể dùng viên nhai, với mùi vị dễ uống…
Thống kê của WHO cũng cho thấy, 42 % phụ nữ mang thai bị thiếu máu trên toàn thế giới, 90 % trong số họ đến từ các nước đang phát triển. WHO ước tính trong số 529.000 ca tử vong ở người mẹ trên toàn cầu mỗi năm, hơn 50 % nguyên nhân do thiếu máu cả trực tiếp và gián tiếp. Điều tra của Viện dinh dưỡng quốc gia năm 2000 cho thấy 36,8 % phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu và 75 % thiếu máu ở phụ nữ có thai là do thiếu sắt.
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn:
Những bài viết mới hơn
Những bài viết liên quan