Chú ý tiểu đường trong thai kỳ
Bà mẹ luôn phải theo dõi đường huyết trong thời kỳ mang thai.
Chuyển thành tiểu đường tuyp 2 vì mang bầu không kiêng khem
Chị Ngô Thị Hường trú tại Long Biên, Hà Nội, 29 tuổi, mới sinh được một cô con gái nhưng chị đã bị tiểu đường 3 năm nay.
Chị Hường kể, năm 26 tuổi chị mang thai. Cơ địa chị vốn dễ tăng cân nên mang thai ở tháng thứ 5 chị đã tăng gần 20kg. Em bé lúc đó đã đạt mức 5 lạng được khuyến cáo là mức thai to. Đến tuần thứ 30 chị Hường được chẩn đoán tiểu đường thai nghén vì lúc này thai đã lên 2,7kg.
Chị Hường nghĩ con to cũng tốt và coi chuyện tiểu đường thai nghén cũng không quá nghiêm trọng. Chị chỉ thay đổi chế độ ăn. Nhưng đến tuần 32 lượng đường máu vẫn cao trên 9mol/l lúc đói nên bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị insulin.
Sau hai tuần nằm viện, chị quay trở về mức đường huyết an toàn và đến tuần 35 chị sinh con. Dù sinh thiếu tháng nhưng con chị đã nặng tới 3.9kg.
Sau khi sinh con, chị thở phào vì nghĩ đã hết bệnh tiểu đường thai kỳ nên thoải mái ăn uống không kiêng khem vì muốn có nhiều sữa cho con bú. Cảm giác đi tiểu nhiều, uống nước nhiều, đặc biệt là vết mổ của chị dù đã được hơn 1 tháng nhưng vẫn rất khó liền sẹo, hay bị há và chảy dịch vàng nên chị phải thuê điều dưỡng về tận nhà chăm sóc vết mổ.
5 tuần sau khi sinh, vết mổ vẫn chảy dịch nên nhân viên y tế khuyên chị Hường đi kiểm tra lại đường máu. Lúc này bác sĩ thấy đường huyết vẫn rất cao nên cho chị Hường điều trị bằng cách tiêm insulin và từ tiểu đường thai kỳ, chị Hường đã trở thành bệnh nhân của tiểu đường tuyp 2.
3 năm nay, những nỗi khổ của bệnh tiểu đường chị nếm trải đủ. Khổ nhất đó là vết mổ đẻ của chị đến nay vẫn chẳng được như của người khác. Có lần vô tình vấp bật móng chân mà cả cái ngón chân cái của chị há ra chẳng khác nào miệng con cá mập, chị lại phải vào viện điều trị.
Chị Hường lúc nào cũng cảm thấy ân hận. Nếu lúc mang thai chị kiểm soát đường huyết tốt, ăn uống hợp lý, không ham tăng cân có lẽ giờ đây chị đã tránh được bệnh tiểu đường tuyp 2 và phải sống chung với nó.
Tại Bệnh viện Nội tiết trung ương cơ sở một, có rất nhiều sản phụ bị tiểu đường thai nghén.
Mang thai ở tuần 33, chị Vũ Thị Linh trú tại Đống Đa, Hà Nội được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Chị đã thay đổi chế độ ăn như bác sĩ tư vấn nhưng đường huyết vẫn không được kiểm soát. Cuối cùng chị phải vào bệnh viện để điều trị tiêm insulin.
Hầu như những sản phụ ở đây đều không hiểu rõ nhiều về tiểu đường thai kỳ và chỉ đến khi bác sĩ chỉ định sang bên này điều trị nội tiết họ mới biết mình vô tình mắc tiểu đường thai kỳ. Có người thì lo lắng nhưng cũng có những người coi đó là bệnh lý của bà bầu.
Đủ nguy cơ rình rập
Theo Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám nội tiết Thái Hà, bệnh lý đái tháo đường thai kỳ là một thể bệnh xuất hiện trong thời kỳ có thai với các biểu hiện đường huyết cao trong khi mang thai và tự khỏi sau sinh.
Tuy nhiên, nếu sau 6 tuần sau khi sinh, đường máu vẫn cao, sẽ không được coi là đái tháo đường thai kỳ mà là đái tháo đường tuyp 1 hoặc tuyp 2. Nguyên nhân của đái tháo đường thai kỳ là do biến đối về thể chất và dinh dưỡng của người mẹ trong lúc mang thai dẫn đến tuyến tuỵ không tiết đủ insulin để chuyển hoá lượng đường trong cơ thể.
Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ không chẩn đoán sớm sẽ bị nguy hiểm cho cả mẹ và con như các biến chứng tăng huyết áp, dị tật thai nhi, đẻ non, hoặc đái tháo đường vĩnh viễn.
Phụ nữ mang thai đái tháo đường vẫn chưa có thuốc uống nào an toàn. Trong trường hợp đường máu cao họ phải tiêm insulin. Nếu đường huyết thấp hơn thì họ sẽ thay đổi chế độ ăn. Nếu thay đổi chế độ ăn mà đường máu về dưới 5,0 mmol/l đường máu sau khi ăn là 6,7 – 7 mmol/l thì người ta coi là điều chỉnh chế độ ăn thành công.
Điều chỉnh chế độ ăn tổng calo cho phụ nữ mang thai vẫn không thay đổi nhưng người ta sẽ cân nhắc xem các thức ăn sinh nhiều đường như tinh bột, ngũ cốc và hoa quả ngọt, kiểm soát khối lượng của nó ăn sao cho đường máu không tăng.
Phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ Cường cho biết, người ta thường nhằm vào đối tượng có nguy cơ cao như bản thân người đó có người thân bị đái tháo đường; bị thừa cân béo phì khi mang thai hoặc có thai khi tuổi đã cao.
Ngoài ra, nếu những ai trong quá khứ sinh con to, bác sĩ cũng khuyến cáo phải phòng tránh tiểu đường thai kỳ. Thông thường sau tuần 20, bác sĩ sẽ đề nghị sản phụ kiểm soát đường máu thai kỳ để phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ và có chế độ ăn hợp lý.
Nguồn tin: infonet.vn
Những bài viết mới hơn
Những bài viết liên quan