Phương pháp ăn dặm khoa học
Phương pháp phân tích:
Dựa trên những chia sẽ dưới dạng comment của các bậc cha mẹ của 102 bé đủ tiêu chuẩn trên. Các chia sẽ sẽ được chia ra các điểm thảo luận dựa trên các hướng dẫn hiện hành về ăn dặm, thông qua sự so sánh, đối chiếu để tìm ra những chủ đề (themes) phản ánh đúng những cảm nhận và suy nghĩ về ăn dặm của cha mẹ VN. Điều này sẽ góp phần giúp cha mẹ VN có cái nhìn toàn diện hơn để thành công trong việc hướng dẫn ăn uống tốt cho trẻ nhỏ. Tất cả comment của ba mẹ đã được lấy vào 00:00 (UK time) tối ngày 31/05, do đó, mọi sửa chữa comment sau đó đều không ảnh hưởng.
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
CÁC YẾU TỐ LÀM THÀNH CÔNG KHI ĂN DẶM
Yếu tố 1:
95% các bậc cha mẹ đã khởi đầu ăn dặm cho trẻ từ 5.5 tháng tuổi, trong đó gần 86% là từ 6 tháng tuổi. Trong 64% các cha mẹ cho là khá thành công với phương pháp ăn dặm thì hầu hết bắt đầu từ 6 tháng tuổi hoặc cho là trẻ có ít nhất 2 yếu tố vận động: khả năng ngồi và miệng chóp chép thèm.
Thông tin khoa học: Điều này phù hợp với hướng dẫn thực hành ăn dặm của Tổ chức WHO về độ tuổi ăn dặm. Do đó, yếu tố quyết định thành công là đúng độ tuổi bắt đầu ăn dặm. Hơn nữa, thời điểm này bé có khả năng vận động và các men tiêu hóa dần hoàn thiện thích hợp ăn dặm (Vail et al. 2015, ĐH Cambridge, UK).
Yếu tố 2:
Môi trường ăn dặm tốt nhất vẫn là được tập ngồi trên ghế ăn hoặc tựa vào lòng người mẹ. Một số khó khăn được nêu lên là bé rất hay trèo ra ghế, đặc biệt bé ăn theo kiểu ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Tuy nhiên, đa phần ý kiến từ các ba mẹ thành công trong việc hướng dẫn cho bé ngồi ghế và khắc phục tình trạng trèo ghế là có thể giới thiệu 1 hoặc 2 món đồ chơi để trẻ quên việc trèo ghế. Tuy nhiên, các cha mẹ này chia sẽ thêm là không nên dùng điện thoại hoặc ipad để dụ trẻ ăn hoặc khi trẻ trèo ra ngoài thì chỉ nên cho trẻ lòng vòng trong chỗ ăn, không nên bế đi lòng vòng quanh xóm. Hầu hết các cha mẹ thành công đều cho là khoảng 1 tháng "rèn" là bé sẽ ngồi ghế và chịu ăn, nhưng nhiều cha mẹ bỏ cuộc sau vài lần thử. Số cha mẹ bỏ cuộc trong khảo sát này là trung bình chỉ sau 3-4 lần và bé thắng đòi bế đi. .
Thông tin khoa học: Đối với các bé hiếu động, việc bắt bé ngồi ghế ăn là việc làm bất khả thi. Dùng yếu tố kích thích như những món đồ chơi đơn giản sẽ cuốn hút bé và thói quen này sẽ dễ bỏ sau 1 thời gian quen với ăn dặm, tuy nhiên tác động cuốn hút của đồ điện tử là lớn hơn nhiều và tác nhân con người/cảnh vật cũng là những kích thích lớn gây giảm tập trung của trẻ lúc ăn (Christina et al. 2014). Một người mẹ chia sẽ khi con mất tập trung ăn: Mẹ dùng khay đá có vài viên đá, khi bé mất tập trung, mẹ lắc khay đá rơi ra 1 viên bé rất tập trung cầm viên đá đó, nhưng rất khó để bé nhặt lên được, cái lạnh và sự khó khăn này làm bé rất tập trung, mẹ cổ vũ bé bằng cách đút cháo cho bé để lấy năng lượng, bé khá hào hứng và quên việc leo ra ngoài. Chơi 1 lúc viên đá tan và mẹ cũng kết thúc. Sau này bé ngồi quen thì mẹ cũng dần bỏ được thói quen này cho bé rất dễ dàng.
Yếu tố 3:
Biết thả lỏng trong bữa ăn của trẻ. Nhiều cha mẹ thành công cho là nên thả lỏng khi con không chịu ăn như lúc bé bị bệnh, hoặc tự nhiên bỏ ăn không rõ nguyên nhân, hoặc chỉ thích bú mẹ. Giải pháp của nhiều cha mẹ thành công cho là: cứ đợi bữa khác vậy hoặc đút vài muỗng nếu bé ngưng quay đầu thì thôi.
Thông tin khoa học: Hướng dẫn ăn dặm chính thức khuyên lượng ăn và quyết định ăn hay không là do bé, còn cha mẹ lo chuyện nấu ăn, chọn đồ ăn và nơi đút bé ăn. Do vậy, có những lúc vị giác của trẻ bị thay đổi hoặc bị bệnh, việc trẻ không ăn là bình thường. Thay vì nặng nề cho đủ bữa, thì cứ thả lỏng bữa ra, chia nhiều bữa nhỏ cũng là ý kiến tốt nếu mẹ có thời gian, và cho bé bú theo nhu cầu (Christina et al. 2014, BV Nhi Singapore). Tuy nhiên, nếu bé bỏ ăn và bỏ bú là dấu hiệu bệnh lý nên tư vấn chuyên gia sức khỏe. Thành công cái này khó vì cha mẹ thường không buôn bỏ nỗi ám ảnh cân nặng, nhưng khoa học thực nghiệm cho thấy việc bé bỏ ăn vài ngày - vài tuần, mà chỉ uống sữa hoặc ăn ít theo lượng trẻ muốn là không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Đối với những bé thừa cân, khi vào 1 giai đoạn nhất định bé sẽ tự điều chỉnh và ăn ít, điều này là một điều chỉnh có lợi cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ lúc này thường lo lắng vì trẻ không tăng cân và mập mạp như trước. Tâm lý này cũng cần vượt qua nếu muốn thành công
NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CHƯA NẮM VỮNG VỀ TĂNG TRƯỞNG TRẺ NHỎ
Gần như các bà mẹ đều chia sẽ là lo lắng đến cân nặng của trẻ, mặc dù có nhiều ba mẹ cho là trẻ ăn khá thành công và đa dạng các món, nhưng vẫn mang 1 vài nỗi niềm trong sự tăng trưởng, themes được nhận ra là "lo lắng bé ăn ít". Trên thực tế, tôi phân tích trên 102 bé dựa trên phát đồ tăng trưởng của WHO cho bé gái và bé trai trong độ tuổi từ 0-30 tháng tuổi, một điều tôi thấy rằng: HẦU HẾT TĂNG TRƯỞNG CÁC BÉ Ở THỜI ĐIỂM TRẢ LỜI KHẢO SÁT ĐỀU NẰM TRONG TĂNG TRƯỞNG BÌNH THƯỜNG. [Cha mẹ có thể XEM HÌNH 2 VÀ 3 ĐÍNH KÈM, các chấm đen là đại diện cho 102 bé khảo sát và đều nằm trong giới hạn tăng trưởng bình thường]. Điều này cho thấy việc lo lắng con tăng trưởng không tốt, cân nặng ít là một nhận định chỉ làm lo lắng cho cha mẹ, nhưng thực tế các bé đang tăng trưởng bình thường. Để đánh giá trẻ tăng trưởng bình thường, cân nặng chỉ là 1 trong 5 yếu tố đánh giá. Các yếu tố tâm sinh lý và vận động theo khảo sát là bình thường. Từ khảo sát, tôi cũng nhận thấy vài nhận định không đúng sau về ăn dặm và tăng trưởng:
*Nhiều cha mẹ nghĩ là đút cháo cho bé bé ăn được nhiều hơn, trong khi đút cơm bé ăn rất ít, không đủ dưỡng chất. Điều này là chưa đúng, ăn cháo không làm trẻ no hơn hoặc nhiều dưỡng chất hơn. Mặc dù trẻ ăn vài muỗng cơm, so với cháo là 1/2 chén, nhưng năng lượng là cũng tương đương nếu tính khối lượng ăn được. Bé sẽ biết điều này hơn bạn.
*Nhiều cha mẹ nghĩ là bé ăn uống không đủ chất, cân nặng suy giảm, nhưng thực tế các bé đều ở mức cân nặng trong mức bình thường. có giảm tăng cân sau 1 tuổi, nhưng trong mức độ điều chỉnh hợp lí.
*Nhiều cha mẹ chưa rõ về các thay đổi trong những giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ, nên tỏ ra lo lắng vì nghĩ nó khác/đối nghịch với trải nghiệm ban đầu. VD, như sao bé ăn ít, sao bé hay đòi ra ghế, tối bé hay đòi bú, hay khóc lè nhè khi gặp mẹ.
*BLW là không có tác động của cha mẹ vào lượng hay cách ăn của trẻ. Những bé đã thiết lập tốt BLW hoặc những bé nhạy cảm với việc tự ăn bằng tay, nếu cha mẹ tác động vào lượng và cách ăn sẽ làm bé biếng ăn kể cả BLW đã quen trước đó và không chịu chấp nhận phương pháp nào khác, ít nhất 2 tháng sau đó (Daniels et al. 2015). VD, biểu hiện này thường ở việc bé hay kén chọn 1 loại thức ăn nào đó. Hướng giải quyết nằm ở lặp lại giới thiệu cho bé món mà bé không thích, ít nhất 12 lần/món, cho đến khi bé thích.
*Cha mẹ nhận định trong lo lắng: BLW có thể gây ra 1 số thiếu vi chất dinh dưỡng (từ cảm nhận riêng, từ sách vở tài liệu đọc được).
Thực tế, BLW có thể liên quan đến thiếu 1 vài vi chất dinh dưỡng nếu bé bú mẹ hoàn toàn (vitamin D, kẽm, vitamin nhóm B (VD vitamin B12), sắt và chất béo omega-3 DHA/EPA) (Morison et al. 2016). Trẻ BLW thích độ nhạy cảm của ngón tay, do đó giới thiệu thực phẩm chứa sắt như thịt thì nên xé nhỏ, còn lòng đỏ trứng thì nên chiên. Ăn kèm với trái cây giàu vitamin C như dâu, quýt đường là được khuyên sau bữa ăn giàu sắt.
Nếu bé dùng sữa công thức từ 450-500ml, thì sự thiếu là hiếm. Chỉ có vitamin D và chất béo omega-3 DHA/EPA là có nguy cơ thiếu.
*Cha mẹ cho là thêm gia vị hoặc bột nêm vào thức ăn dặm của trẻ làm trẻ thích ăn hơn. Thực tế, là ngược lại, các vị giác như chua, ngọt, đắng và vị ngọt của thịt phát triển từ lúc phôi thai, nhưng vị mặn lại xuất hiện muộn từ 3-4 tháng tuổi. Giai đoạn sau trẻ rất nhạy cảm với các vị mặn và đường. Việc cho gia vị quá sớm trước 1 tuổi sẽ làm trẻ dễ rối loạn vị giác và tăng gánh nặng lên thận nếu vô tình cho quá nhiều. Hướng dẫn ăn dặm là không cho gia vị hoặc bột nêm/nước mắm trẻ em vào thức ăn dặm trẻ dưới 1 tuổi.
TÁC ĐỘNG CỦA ÔNG BÀ LÊN ĂN DẶM
Đa phần cha mẹ đều chia sẽ là ông bà lo lắng cho cháu ăn uống không đủ chất thường ép bé ăn thêm hoặc tác động làm cha mẹ rất stress trong các bữa ăn cho trẻ.
Điều này là đúng ở các nước Đông phương. Sự lo lắng của thế hệ trước chỉ là muốn con cháu ăn tốt, khỏe mạnh, xuất phát từ ý tốt. Lời khuyên của các chuyên gia tâm lý là cha mẹ nên cho ông bà đến gặp chuyên gia hoặc đọc sách cho ông bà nghe về các phương pháp ăn dặm khoa học. Có những mâu thuẫn bạn nên chấp nhận trước và từ từ nói ông bà hiểu (Elfzzani et al. 2016).
CÁC PHƯƠNG PHÁP PHỐI HỢP NHƯ THẾ NÀO?
Dựa trên khảo sát, các bậc cha mẹ sử dụng chủ yếu 4 phương pháp ăn dặm là truyền thống, 3 DAY WAIT, BLW và ăn dặm kiểu Nhật
Đối với BLW: trẻ chỉ nên từ 6 tháng tuổi và có phát triển ít nhất là có thể ngồi và sử dụng tốt các ngón tay.
Khi kết hợp thì phương pháp 3 DAY WAIT và ăn kiểu Nhật cho là phù hợp với kết hợp với BLW.
Thông tin khoa học: GS. Brown, ĐH Swansea, Anh Quốc: khi kết hợp thì nên đơi trẻ quen dần với phương pháp 3 DAY WAIT hoặc kiểu Nhật trước thì sau đó mới BLW. Thường rơi vào tháng 9-10 tháng tuổi. Nên bắt đầu chọn những cấu trúc có dạng giòn giòn và nhám tay để giới thiệu cho bé, điều này làm bé có sự nhạy cảm với cầm nắm (Daniels et al. 2015).
Tác giả bài viết: Dr Anh Nguyen
Những bài viết mới hơn
Những bài viết liên quan