Kỳ 4 (cuối): Các cơ quan Y tế đã làm gì với sữa?
- Ủy ban trách nhiệm y khoa Hoa Kỳ (Physicians committee for responsible medicine) đưa ra 8 lý do lớn để nên loại bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn của bạn. Tài liệu này đề cập đến 8 lý do chính sau: Các vấn đề về loãng xương, bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, không dung nạp đường lactose, ngộ độc vitamin D, nhiễm hóa chất, các lo ngại về sức khỏe đối với trẻ sơ sinh và trẻ em.
- Ở Việt Nam, ít ai biết Nghị định mới đây của Thủ tướng Chính phủ cấm các hãng sữa quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, cấm tiếp cận các bác sĩ, y tá để tiếp thị sữa, cấm các hãng sữa tài trợ các nghiên cứu khoa học ... là kết quả của một quá trình vận động kiên trì của Bộ Y tế và UNICEF.
Theo đó, quy định mới nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi dưới mọi hình thức. Việc sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai cũng không được phép. Vậy tại sao lại có các lệnh cấm này? Có muôn vàn lý do mà trong khuôn khổ bài viết này tôi không đề cập hết được, tôi chỉ đưa ra 1 vài dẫn chứng điển hình: “Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có cơ hội sống sót cao gấp 6 lần so với những trẻ khác trong những tháng đầu đời.
Những trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời có tỉ lệ tử vong thấp hơn 14 lần so với những đứa trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ và đặc biệt việc nuôi con sữa mẹ giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu chảy” (Theo tài liệu của UNICEF, 2015)17. Ngoài ra, trong khi sữa mẹ có đủ 14 hệ thống kháng thể tự nhiên cho con người thì sữa công thức không hề có.
Do đó, trẻ không được nuôi dưỡng theo chuẩn tối ưu sẽ làm suy giảm nghiêm trọng sức đề kháng của trẻ, làm trẻ dễ bị viêm nhiễm, dị ứng và bệnh tật sau này. Một nghiên cứu của Đại học Brown, Mỹ được công bố năm 2013 phát hiện thấy, trước 2 tuổi, những trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn ít nhất trong 3 tháng đầu tăng cường phát triển các vùng chủ chốt trong não hơn so với nhóm trẻ uống sữa công thức hoàn toàn hoặc phối hợp với sữa mẹ.
Sự phát triển thêm rõ rệt nhất ở những vùng của não liên quan đến ngôn ngữ, cảm xúc và nhận thức. Ngoài ra, nhóm được bú sữa mẹ hoàn toàn có tốc độ phát triển chất trắng trong não nhanh nhất. Đứng thứ hai là nhóm “bú phối hợp” vừa được bú mẹ vừa sữa ngoài, thấp nhất là nhóm ăn sữa ngoài hoàn toàn18.
Sau 1 năm Nghị định có hiệu lực tại Việt Nam, hiện vẫn còn nhiều hình thức quảng cáo, tiếp thị sữa trá hình. Vì vậy, để Nghị định 100 thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học vẫn cần phải làm nhiều việc.
- Cùng với Việt Nam, khoảng 50 Quốc gia trên thế giới đã thực hiện lệnh cấm này. Đây là thành quả quan trọng trong cuộc đấu tranh vì sức khỏe cộng đồng của các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ cũng như các cơ quan y tế.
Sử dụng sữa công thức ở Nhật Bản:
Ở Nhật, sữa bột không được quảng cáo trên tivi, được bày bán rất khiêm tốn ở siêu thị và hiệu thuốc. Những chiêu quảng cáo uống sữa cho trẻ cao lớn, thông minh như ở Việt Nam sẽ không thấy ở Nhật.
Rõ ràng loại thực phẩm này ẩn chứa nhiều nguy cơ sức khỏe. Nếu bạn muốn có “trải nghiệm” với những nguy cơ sức khỏe này, thì hãy tiếp tục uống nó hàng ngày và coi nó là “bạn tốt”. Với tôi, sữa vốn không đơn giản, có thể “làm hại” mình bất cứ lúc nào. Vậy nên, nó sớm đã không có trong khẩu phần ăn của tôi và con trai. Bạn hãy tự đưa ra quyết định của mình dựa trên những thông tin trên đây. Chúc các bạn đưa ra những quyết định sáng suốt!
Xem thêm
Kỳ 1: Những lợi ích ít ỏi của sữa
Kỳ 2: Một số tác hại của sữa đã được cảnh báo
Kỳ 3: Hầu hết mọi người không biết về mặt trái của sữa
Tác giả bài viết: Lưu Thị Kim Oanh
Nguồn tin: Sức khỏe & Đời sống