Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

Có thể bị sán dây bò nếu ăn thịt bò tái

Có hai loại bệnh sán dây (sán dây bò và sán dây lợn) đều gây biến chứng nguy hiểm cho người bởi ăn thịt chưa nấu chín hoặc thực phẩm, nước bị nhiễm sán dây.
Có thể bị sán dây bò nếu ăn thịt bò tái

Bài viết này chỉ đề cập đến biến chứng của bệnh sán dây bò (sán xơ mít).

Đặc điểm của sán dây bò


Sán dây bò(tên khoa học: Taenia). Chúng được gọi sán dây bò hay sán xơ mít vì hình dạng giống xơ của quả mít. Cơ thể của sán dây bò chia thành nhiều đốt nhỏ, thân dài từ 4 - 12m có trên 1.000 đốt, đốt trưởng thành dài khoảng 20 - 30mm
Tử cung chia thành 32 nhánh, đầu sán có 4 giác móc để bám vào niêm mạc ruột. Khi các đốt sán dây bò già sẽ rụng ra và theo phân ra ngoài, trong các đốt sán có vô số trứng sán. Mỗi ngày thân sán có thể mọc dài ra từ 3 - 28 đốt.

Các đốt già rụng ra thành những đốt riêng biệt, chuyển động nhờ những cơ rất khỏe nên khi nó ra khỏi hậu môn người và có thể bò lên bụng, lên nách bệnh nhân (cả người nằm cùng giường) hoặc bò ra khắp giường chiếu.

Các đốt sán già theo phân hoặc tự bò ra ngoại cảnh, vỡ ra, giải phóng hàng trăm ngàn trứng. Nếu trâu, bò ăn phải đốt sán, vào ruột trứng sán sẽ nở ra ấu trùng và xâm nhập vào hệ tuần hoàn để về tim, sau đó theo máu đi đến các cơ vân để hình thành nang ấu trùng ở bắp cơ của trâu, bò và thường được gọi là “gạo bò”.

Nang ấu trùng sán dây bò thấy nhiều ở cơ lưỡi, cơ hoành, cơ tim, cơ mông... của trâu, bò. Con người khi ăn phải thịt, tim trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò mà không được nấu chín kỹ, ấu trùng sán dây bò sẽ trưởng thành ký sinh ở ruột non.
Ấu trùng sán xơ mít có hình bầu dục hoặc hơi tròn, kích thước khoảng 20 - 30mm; là một bọc chứa đầy chất lỏng, bên trong có đầu ấu trùng. Ấu trùng có thể nằm lẫn trong thớ cơ của bò và có sức sống rất tốt với môi trường ngoại cảnh. Tuy nhiên, nếu thịt trâu, bò được nấu chín kỹ, ấu trùng sẽ chết.

Nhưng nếu trong quá trình chế biến không vệ sinh, tẩy trùng các dụng cụ hoặc không sát trùng tay sau khi cầm nắm vào thịt trâu, bò có ấu trùng sán dây bò sẽ có nguy cơ rất cao bị nhiễm ấu trùng sán và mắc bệnh. Bệnh sán dây bò phân bố ở khắp nơi tùy thuộc vào tập quán ăn uống.

Bò con dễ bị nhiễm bệnh ấu trùng sán bò. Nang ấu trùng chết ở nhiệt độ 570C hoặc ở -100C trong 5 ngày. Ở Việt Nam, sán dây bò thường gặp hơn sán dây lợn (sán dây bò 78%, sán dây lợn 22%). Người mắc bệnh do thói quen thích ăn thịt bò tái. Vùng đồng bằng mắc bệnh cao hơn miền núi, tỉ lệ khoảng 1 - 4%.

Ba tháng sau kể từ khi người ăn phải thịt trâu, bò có nang ấu trùng sán dây bò, ký sinh trùng sán trưởng thành về sinh dục và bắt đầu đứt các đốt già. Sán dây bò có thể sống trong cơ thể con người từ 50 - 70 năm.

 

photo 1 1508838304382
Khi người ăn phải thịt bò có nang ấu trùng mà không được nấu chín kỹ, chúng sẽ trưởng thành ký sinh ở ruột non

Triệu chứng của bệnh sán dây bò

Những dấu hiệu điển hình là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, rối loạn tiêu hóa, bứt rứt, đầy bụng, đau vùng rốn, dần dần thấy mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, hạ huyết áp và thiếu máu...

Những đốt sán già tự rụng khỏi ống tiêu hóa bất cứ lúc nào và chúng theo phân ra ngoài hoặc tự bò ra ngoài hậu môn trong lúc tắm, lúc ngủ (đốt sán bò ra giường, ra quần áo, bò lên người bệnh và người nằm cùng giường) làm cho người bệnh sợ hãi, mất bình tĩnh, lo lắng, hoang mang, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Biến chứng

Khi sán dây bò sống trong ruột người, chúng sẽ sử dụng hết các chất dinh dưỡng khiến người bệnh thiếu máu, thiếu sắt và các vi chất cần thiết như vitamin B6, B12... dẫn đến suy dinh dưỡng. Một số người có cảm giác sợ hãi, thiếu tự tin khi thấy đốt sán bò ra hậu môn.

Nếu bị sán dây bò nặng (nhiều đốt sán, tồn tại lâu ngày) có thể gây căng thẳng thần kinh, strees, giảm khả năng tập trung vào học tập và công việc, đặc biệt có thể bị động kinh, liệt, mất trí nhớ, tăng áp lực nội sọ, não úng thủy, giảm thị lực, mù mắt, bệnh tim.

Bị bệnh sán dây bò, nếu có nhiều đốt, kéo dài, xoắn lại có thể bị làm tắc ruột, nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho cho tính mạng người bệnh.

Để xác định sán dây bò cần xét nghiệm phân tìm các đốt sán, soi phân bằng kính hiển vi quang học sẽ thấy trứng sán.

Xét nghiệm máu bằng kỹ thuật chẩn đoán huyết thanh ELISA cho kết quả khả quan.
 

Nguyên tắc điều trị


Khi nghi ngờ bị sán dây bò (rối loạn tiêu hóa, ăn thịt trâu, bò chưa nấu chín…) hoặc thấy đốt sán ra ở hậu môn theo phân hoặc tự bò ra quần, giường, chiếu…, cần đi khám bệnh ngay để được điều trị sớm nhất có thể.

Việc điều trị phải có sự chỉ định cụ thể và theo dõi của bác sĩ khám chữa bệnh để tránh những hiệu ứng phụ của thuốc gây ra.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh hiệu quả cần ăn chín, uống chín. Không ăn thịt trâu, bò chưa nấu chín (tái), không ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi đại tiện và sau khi tiếp xúc với thịt trâu, bò (giết mổ, chế biến).

Cần sát khuẩn bằng xà phòng, nước đun sôi các dụng cụ dùng chế biến thịt trâu bò. Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.

Cần lưu ý với những người bệnh khi các đốt sán rụng ra phải thu gom xử lý và đi đại tiện phải sử dụng hố xí hợp vệ sinh để quản lý nguồn phân thải mang mầm bệnh ký sinh trùng, tránh làm vương vãi trứng giun ra làm ô nhiễm môi trường.

Tác giả bài viết: Theo Trí thức trẻ

 Từ khóa: thịt bò tái, sán bò

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết