Làm gì để tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa bão?
Vào mùa mưa bão, bên cạnh vấn đề đáng lo ngại về tình hình dịch bệnh thì việc đảm bảo an toàn thực phẩm phòng tránh các bệnh lây qua đường tiêu hoá cũng cần được cộng đồng-nhất là người dân sống trong vùng lũ quan tâm.
Lý do bởi trong mùa mưa lũ nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế. Lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, sau khi nước rút nguồn nước bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn rất dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm và mắc các bệnh truyền qua thực phẩm sau bão lụt, thiên tai như: Vibrio cholerae bệnh tả, Salmonella gây thương hàn, Shigella gây lỵ trực trùng, Bacillus anthracis gây bệnh than, bệnh tiêu chảy do virus (rotavirus, enterovirus...), viêm gan A, E...
Vì vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa bão lũ, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các ngành chức năng trước khi có bão, lũ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng (đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao) trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.
Cùng đó, các cơ quan thuộc ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hoá chất, phương tiện, nhân lực… sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.
Trong khi bão, lũ xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống chín. Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hoá chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế; các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh.
Sau khi bão, lũ rút cần chủ động hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng. Thu gom rác thải, xác động vật chết, chôn lấp theo quy định, nạo vét, khơi thông cống rãnh bảo đảm vệ sinh môi trường. Các loại rau củ quả phải tươi, không dập nát mới đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng trong cộng đồng.
Với cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo mọi người cần lựa chọn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn: Chọn các loại rau quả, thực phẩm giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không bị dập nát, không được có màu sắc, mùi vị lạ.
Đối với thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung và còn hạn sử dụng. Người dân tuyệt đối không sử dụng các chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn mác và không sử dụng các thực phẩm còn nghi ngờ.
Bên cạnh đó, người dân cần phải sử dụng nguồn nước sạch, có thể là nước máy, nước giếng, nước mưa, sông suối... nhưng phải đã qua xử lý hoặc lắng lọc để chế biến thực phẩm và rửa dụng cụ chế biến. Dụng cụ chứa nước phải đảm bảo sạch, không nhiễm các chất gây độc. Nước đun sôi để nguội cũng chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ. Để bảo đảm an toàn nên ăn ngay khi thức ăn còn nóng, vừa nấu chín xong. Đối với các thực phẩm không cần nấu chín như các loại trái cây thì cần ăn ngay khi vừa bóc vỏ hay cắt ra. Bảo quản tốt lương thực, thực phẩm tránh ẩm, mốc, mối mọt và ngập nước.
Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, phòng chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập. Thực hiện ăn uống đảm bảo vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không dùng tay bốc thức ăn, đồng thời không chế biến thực phẩm hoặc phục vụ ăn uống khi đang bị đau bụng, tiêu chảy, sốt, nôn, nhiễm khuẩn ngoài da hoặc các bệnh lây truyền khác.
Tác giả bài viết: Thùy Anh
Những bài viết mới hơn
Những bài viết liên quan