Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

An toàn thực phẩm trong mùa mưa bão

Năm nào cũng vậy, sau đợt “hỏi thăm” của hàng chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới khiến đời sống của người dân nhiều nơi tê liệt. Bệnh dịch, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm nảy sinh khi sức khỏe giảm sút trong khi ô nhiễm môi trường, thực phẩm không đảm bảo lại gia tăng.
An toàn thực phẩm trong mùa mưa bão

Mưa, bão, lũ lụt là “đặc sản” thiên nhiên ban tặng cho khu vực miền Bắc và miền Trung. Năm nào cũng vậy, mưa - bão - lũ dồn dập khiến người dân nhiều khi không kịp trở tay.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, người dân cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để hạn chế bị ngộ độc. Nguyên nhân do ở những vùng bị bão, lũ, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên chất thải của người và gia súc, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm nặng cho môi trường nước, đất và đồ vật chìm trong nước khiến mầm bệnh rất dễ lan nhiễm vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho mọi người dân.

Bên cạnh đó, sau bão lũ, việc cung cấp lương thực và thực phẩm bị hạn chế, nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, những bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm như bệnh tiêu chảy, tả, lỵ thường rất hay xảy ra.

 

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa bão lũ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, người dân không chế biến thực phẩm từ động vật chết không rõ nguyên nhân hoặc động vật đang bệnh.

Những ngày này, có thể dùng thực phẩm (nước tương, muối lạc…) để thay thế thức ăn từ động vật. Rau có thể không còn thì tận dụng bộ phận của cây chuối, mít non luộc chín ăn.

Mỗi đợt ngập lụt diễn ra từ 3 - 5 ngày, do vậy, ngay từ đầu mùa mưa nên chủ động tích trữ ít mỳ tôm, mắm, muối, nước uống, đồ ăn khô. Cứ như vậy cho đến khi hết mùa mưa lũ.

Ngoài việc nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật, lau chùi nhà cửa bằng hóa chất tẩy rửa thì trong và sau mưa lũ cần quán triệt tới các thành viên trong gia đình việc ăn chín, uống sôi.

Việc làm đơn giản trên nhưng lại có tác dụng lớn trong việc đề phòng ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm. Vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế mắc bệnh da liễu. Quần áo bị ẩm cần giặt, phơi khô…

Ngoài Chloramin B, người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn. Sau 30 phút, cặn lắng xuống đáy có thể gạn lấy nước trong dùng nhưng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Tác giả bài viết: Phan Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết