Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

Chế độ dinh dưỡng cho tuổi teen

Các giai đoạn quan trọng quyết định đến sự phát triển của con người gồm có: giai đoạn bào thai, giai đoạn từ 0 – 3 tuổi và giai đoạn tuổi teen (từ 10 – 18 tuổi).
dinh dưỡng tuổi teen

Theo các nhà nghiên cứu của các nước trên thế giới và của Việt Nam thì số trẻ bị suy dinh dưỡng trong những năm đầu sau sinh, sẽ có nhiều nguy cơ bị thấp còi ở tuổi vị thành niên và khó có thể phát triển bằng các bạn cùng trang lứa.

Các bạn nữ thấp còi ở tuổi vị thành niên sẽ có nguy cơ phát triển thành những phụ nữ “nhỏ nhắn” hơn tiêu chuẩn và hậu quả là sinh ra những trẻ bị suy dinh dưỡng trong bào thai (có cân nặng sơ sinh thấp dưới 2.5kg). Những em bé này lại có nguy cơ suy dinh dưỡng. Cứ thế thành một vòng tròn luẩn quẩn chính vì vậy mà bổ sung dinh dưỡng hợp lý kết hợp với lối sống lành mạnh cần được chú ý ở mọi lứa tuổi.

Tuổi vị thành niên là lứa tuổi phát triển nhanh cả về chiều cao và cân nặng, biến đổi về tâm, sinh lý, nội tiết,… Cân nặng trung bình ở lứa tuổi này tăng từ 3-5 kg/năm, chiều cao tăng từ 4-7 cm/năm, con trai phát triển nhiều hơn con gái.

Để đảm bảo đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, trẻ cần ăn 3 bữa/ngày, ăn đủ 2100 – 2900 kcalo/ ngày đối với nam và 2100 – 2200 kcalo/ngày đối với nữ, điều chỉnh phù hợp với từng độ tuổi. Hơn nữa độ tuổi này đang trong “tuổi ăn tuổi học”, áp lực học hành, thi cử luôn đè nặng lên các em nên ngoài bữa chính các em cần được bổ sung thêm bữa phụ: trái cây, sữa,…

Chất đạm

Chất đạm có vai trò thiết yếu cho tốc độ phát triển cho tuổi teen, nó giúp tạo nên cấu trúc tế bào, các nội tiết tố (hóc môn) và đáp ứng khả năng miễn dịch của cơ thể. Nhu cầu về chất đạm của lứa tuổi này là khoảng 70 gam/nam và 60 gam/nữ.

Đạm có trong cả động vật và thực vât: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu đỗ, vừng, lạc,…

Chất béo

Đây là nguồn cung cấp năng lượng, giúp cơ thể hòa tan và hấp thu các vitamin tan trong dầu. Lượng chất béo hàng ngày mà các em cần là từ 40 – 50 gam, trong đó nguồn chất béo từ nguồn gốc động vật chiếm 70% và từ thực vật là 30%.

Chế độ dinh dưỡng cho tuổi teen
Chế độ dinh dưỡng đủ chất cho tuổi teen

Các chất khoáng

Chất sắt: Sắt cùng với protein tạo thành hemoglobin (huyết sắc tố), tham gia vào quá trình vận chuyển oxy, CO2, phòng tránh bệnh thiếu máu…

Ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ trai cần từ 12-18 mg/ngày, trẻ nữ cần khoảng 20 mg/ngày (do các em ở tuổi dậy thì và mất máu do chu kỳ hàng tháng). Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc từ động vật như: thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, gan,…; ngoài ra có thể cho các em uống bổ sung thêm viên sắt hoặc viên đa vi chất hàng tuần.

Vitamin A: Đặc biệt cần thiết cho đôi mắt tinh anh, cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, giúp giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. Nhu cầu vitamin A của lứa tuổi này là 600 mcg/ngày.

Canxi: đặc điểm nổi bật của giai đoạn tuổi thành niên là phát triển chiều cao, nhu cầu canxi rất cao, cùng với photpho sẽ giúp duy trì hình thành và bảo vệ bộ xương, răng vững chắc. Can xi có nhiều trong sữa, các loại thủy, hải sản.

Vitamin C: nhu cầu vitamin C của tuổi vị thành niên là 65mg/ngày, vitamin C giúp cơ thể hấp thu, điều phối các chất sắt, canxi và axit folic. Hơn thế nữa, nó còn có chức năng phòng chống dị ứng, tăng khả năng miễn dịch, kích thích tạo dịch mật, bảo vệ thành mạch.

Chế độ dinh dưỡng lứa tuổi vị thành niên là yếu tố vô cùng quan trọng, nó quyết định sự phát triển của trẻ cả về thể chất (chiều cao, cân nặng) và thể chất ở mức tối ưu khi trưởng thành. Trẻ em là tương lai của gia đình, của đất nước, do đó hãy chú ý đến vấn đề dinh dưỡng cho các em để các em phát triển tốt nhất.

Nguồn tin: viendinhduong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết