“Thần thánh hóa” sữa mẹ?
Trong những bài viết của mình, tôi vẫn thường nói: Hãy bình thường hóa sữa mẹ, hãy bình thường hóa chuyện cho con bú, chuyện một em bé bú mẹ là bình thường.
Tuy nhiên không ít lần đề tài nuôi con bằng gì trở nên gay gắt giữa mẹ cho con bú và mẹ nuôi con bằng sữa công thức (sct). Trong khi những người như chúng tôi tìm cách để sữa mẹ trở về vị trí bình thường của nhân loại, thì đáng buồn thay, vẫn còn không ít những bao biện và thỏa hiệp cho việc (phải/mong muốn) sử dụng sản phẩm đứng hàng chót trong thứ tự dinh dưỡng đầu đời cho trẻ nhỏ.
Nhiều người chất vấn: những người mẹ không có sữa cho con thì sao, những đứa trẻ mồ côi thì sao?
Câu hỏi là: Tỉ lệ mẹ không có sữa là bao nhiêu và lẽ nào tất cả trẻ em trên thế giới đều mồ côi?
Chẳng lẽ vì 1-2% người mẹ không có sữa cho con bú và vì một tỉ lệ trẻ mồ côi rất nhỏ (tính tỉ lệ theo tổng dân số trên toàn thế giới) mà sữa mẹ bỗng dưng trở thành đề tài được “thần thánh hóa” và những người ủng hộ sữa mẹ bị gọi là những kẻ phát cuồng sao?
Hay là vì bấy lâu chúng ta đã xem những thứ nhân tạo là tự nhiên nên quên mất rằng trong những điều tự nhiên căn bản của loài người thì việc một đứa trẻ bú mẹ là một điều tự nhiên nhất và nguyên thủy nhất, tựa như con người đã hít thứ không khí để tồn tại hàng bao năm nay mà sau này khoa học mới đặt tên cho nó là Oxy?
Trái với sữa mẹ, không có thứ không khí nào thay thế được Oxy. Không có Oxy, đơn giản là sự sống của con người không thể tồn tại.
Tuy nhiên, ngay cả sản phẩm được gọi là thay thế sữa mẹ, người ta cũng gọi nó là “substitute”. Trong tiếng Anh. Tiếp đầu ngữ (prefix) “sub” có ý nghĩa là “thấp kém hơn” tức là “không bằng” hay “không ngang hàng”. Tương tự, chữ “optimal” có nghĩa là “tối ưu” nhưng “suboptimal” lại mang một ý nghĩa đối lập hoàn toàn!
Sự kiện đang gây rúng động toàn cầu là động đất ở Nepal, con số thương vong ước tính tới 10 ngàn người và chắc chắc con số trẻ mồ côi sẽ là một nỗi đau không chỉ của riêng những đứa trẻ ấy. Nếu nói trẻ mồ côi nên phải uống sct thì thật sự nỗi xót xa ấy còn lớn hơn gấp ngàn lần. Đã thiệt thòi vì không có mẹ, lại không được nhận sự bảo vệ của kháng thể từ sữa mẹ khi cơ thể còn non nớt và dễ bị tổn thương. Chính vì lẽ đó mà WHO, UNICEF và Tổ chức Chữ Thập Đỏ Thế Giới đã kêu gọi ngưng nhận viện trợ sct từ các tổ chức từ thiện và thiết lập những nơi an toàn để những người mẹ may mắn sống sót trong thảm họa cho con bú. (nguồn: http://www.who.int/maternal_child_adolescent/documents/asian_support/en/)
Vậy, điều này có gọi là thần thánh hóa sữa mẹ hay không?
Nếu trong thảm họa, người ta kêu gọi cho con bú mẹ để trẻ em được phát triển và bảo vệ theo đúng tiêu chuẩn loài người thì trong cuộc sống hằng ngày, điều này có gì là thần thánh hay cuồng si?
Tác giả bài viết: Nguyen Dao
Những bài viết mới hơn
Những bài viết liên quan