Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

10 gợi ý để đưa con trở lại bầu vú mẹ

Tư vấn cho các mẹ bấy lâu nay, tôi nhận ra một điều là những mẹo để chuyển từ bú mẹ sang bú bình thì nhiều nhưng rất ít thông tin để giúp mẹ và bé cai cái bình để chuyển sang bú mẹ. Đã gọi là “cai” thì cần thời gian, sự kiên nhẫn và kiến thức đúng đắn.
bú mẹ


Không ít mẹ đành chọn giải pháp cho bộ đồ nghề hút sữa trở thành “tình nhân” một thời gian khá dài. Việc duy trì sữa mẹ bằng “em bé nhân tạo” đã khó vì động tác bú mút của em bé thật đương nhiên ăn đứt, nhưng việc ngày nào cũng gặp “tình nhân” đem lại không ít phiền toái cho nhiều mẹ, nhất là bỏ lỡ cơ hội được ôm ấp và cho con bú trực tiếp.

Việc bú bình ở đây bao gồm bú bình bằng sữa công thức và sữa mẹ. Làm sao để giảm bớt dẫn đến cai hẳn cái bình để bé bú mẹ trực tiếp? Làm sao để kích sữa? Liệu con tôi có bú đủ không? Liệu tôi có bị mất sữa hay không? Liệu chất lượng sữa mẹ có giảm hay không? Các phần tiếp theo sẽ trả lời những câu hỏi này hoặc đính kèm các đường dẫn (links) để các mẹ tham khảo thêm.

I. NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN BÉ TỪ CHỐI BÚ MẸ 

  1. Nguyên nhân từ em bé:
    – Khớp ngậm không đúng
    – Lạm dụng ti giả
    – Ăn dặm nhiều khiến bé quá no, không tiếp nhận sữa mẹ
    – Mọc răng
    – Sức khỏe
    – Cai sữa
    – Bị tổn thương tinh thần khi bú mẹ (bị người lớn chọc ghẹo, lỡ cắn ti mẹ và bị đánh).

  2. Nguyên nhân từ mẹ:
    – Mẹ dùng thuốc, thuốc bệnh và cả thuốc ngừa thai
    – Thay đổi hormone khi hành kinh hay mang thai trong thời gian cho con bú
    – Ăn thức ăn lạ
    – Mẹ có mùi khác, thông thường sau khi làm tóc, hay sử dụng nước hoa

  3. Nguyên nhân từ nguồn sữa:
    – Sữa xuống chậm/nhanh
    – Sữa ít

II. NHỮNG GỢI Ý GIÚP BÉ BÚ LẠI

Bé đã quen bú bình rồi, liệu bé có bú mẹ lại được không? Hay mẹ đã mất sữa, liệu có thể kích sữa lại bằng việc cho con bú không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, với kiến thức đúng và sự hỗ trợ phù hợp.

Sự thay đổi nào cũng cần có thời gian, sự kiên nhẫn, kiến thức đúng cũng như sự hỗ trợ. Thay đổi bất kỳ thói quen nào đối với người lớn không phải lúc nào cũng là một việc dễ dàng, huống chi đối với em bé. Hơn nữa, chuyện cai ti bình để quay trở lại với bầu vú mẹ không đơn giản chỉ là chuyện của bé, mà của mẹ nữa.

Phần I trên đây nêu ra một số lý do khiến bé từ chối ti mẹ, tuy nhiên bài viết này tập trung đưa ra một số gợi ý dành cho bé từ chối ti mẹ vì quen ti bình, đặc biệt là đối với các bé vì lý do sức khỏe nhất thiết phải dùng sữa mẹ, hoặc mẹ muốn kích sữa.

  1. Bắt đầu càng sớm càng tốt
    Thời gian bé bỏ bú mẹ càng lâu thì thời gian để bé quay lại bú càng dài. Vì vậy đối các bé sơ sinh, đặc biệt các bé dưới 3 tháng lỡ quen với ti bình thì khả năng bé quay lại ti mẹ cao hơn các bé lớn hơn.

  2. Mẹ kiên nhẫn và bình tĩnh
    Mặc dù khi tập cho con ti mẹ lại, có những lúc mẹ cảm thấy vô cùng bực tức và chán nản hoặc chỉ muốn buông xuôi. Tuy nhiên, việc ép buộc bé bú mẹ (cũng như ép bé ăn hoặc những hình thức ép buộc khác) sẽ làm cho tình hình tệ hơn. Nếu trong quá trình tập mà con không hợp tác và mẹ cảm thấy căng thẳng thì tốt nhất là dừng lại và thử vào lần sau.

  3. Bắt đầu bằng việc da tiếp da
    Đối với bé lớn (trên 3 tháng) thì việc ấp bé lên người hoặc bé chịu nằm yên thực sự là một thử thách! Vì từ 3 tháng trở đi, bé “hóng hớt” nhiều, khó tập trung hơn. Do đó, việc tiếp da có thể thực hiện bằng cách “tiếp xúc da” nhiều lần trong ngày, mẹ để ngực trần chơi với con, cố gắng tiếp xúc bầu vú với con, cho con “ngửi” mùi mẹ. Một hoạt động có thể cho hai mẹ con “tiếp xúc da” đó là mẹ chơi với con trên sàn, để ngực trần (không mặc áo).Đối với bé nhỏ hơn 3 tháng thì mẹ có thể dùng địu, mẹ để ngực trần, quấn con (chỉ mặc tã) sau đó có thể mặc thêm áo rộng nếu trời lạnh.

     

     

    skin-to-skin-contact
    Da tiếp da đem lại sự thoải mái và thư giãn cho cả hai mẹ con. Nguồn ảnh: Healthy Woman

    Việc da tiếp da này rất quan trọng trong việc kích thích các giác quan của trẻ, được gần gũi với mẹ, ngửi mùi của mẹ, tiếp xúc với mẹ, cảm thấy sự tin cậy và yên tâm. Càng dành thời gian gần gũi với con, mẹ càng tạo được sự tin cậy nơi con. Cho dù khả năng nhận thức cũng như ngôn ngữ của bé chưa phát triển để báo cho mẹ biết mực độ tiếp nhận những tiếp xúc đó như thế nào nhưng một khi bé thấy yên tâm thì chuyện bú mẹ trở lại sẽ tự tin hơn. Hơn nữa, việc tiếp da với con sẽ kích thích sản sinh oxytocin làm cho phản xạ xuống sữa (let-down reflex) thuận lợi hơn.

  4. Cho bú càng nhiều càng tốt
    Sữa được sản xuất theo quy luật cung cầu, tức là con càng bú nhiều, tuyến sữa được làm trống thường xuyên thì sữa sẽ sản xuất thường xuyên hơn. Đối với các mẹ tái kích sữa (relactation) sau một thời gian mất sữa do cai sớm cho con thì động tác bú mút của bé có tác dụng kích sữa hiệu quả hơn bất kỳ máy hút sữa nào cho dù là đắt tiền nhất. Điều này không có nghĩa là mẹ không nên dùng máy hút sữa mà là việc dùng máy hút sữa không phải là ưu tiên hàng đầu, nhất là đối với các mẹ có kinh tế không thoải mái. Việc dùng máy để kích sữa có thể thực hiện khi mẹ cảm thấy thoải mái và không bị áp lực về một thời gian nhất định nào đó mình “phải” hút ra được số ml đã định.

  5. Cai dần bình:
    Cố gắng giảm thiểu số lần bú bình càng nhiều càng tốt. Nếu bé đã quen với việc ti 7-8 bình/ngày thì mẹ giảm dần số lượng bình. Lưu ý: Giảm số lần ti bình, chứ không phải giảm số lần bé bú. Tức là thay vì dùng bình thì dùng cốc, thìa, syring hoặc đút cho bé bằng ngón tay (đối với bé nhỏ).

  6. Nếu bé thật đói:
    Thay vì mỗi cữ bé bú hết 100ml, mẹ lấy cho bé 30ml sữa mẹ vắt ra thôi, khi bé bú hết 30ml thì nhẹ nhàng lấy bình ra và thử đưa núm vú cho bé xem bé có chịu mút hay không. Nếu bé phản đối và không hợp tác, có nghĩa là lần đó bé chưa sẵn sàng. Mẹ hãy thử lần sau.Tuy nhiên, không nên đợi bé đói mới làm mà đề nghị trên chỉ thực hiện “nếu” như bé đói mà thôi. Còn thực tế, mẹ cứ liên tục cho bé ti, cho bé nhìn, sờ và bầu ti mẹ bất cứ lúc nào tiện lợi cho hai mẹ con và bất cứ lúc nào miễn là con đang thư giãn và thoải mái.

  7. Dùng núm trợ ti:
    Dùng núm trợ ti cho bé bú, khi sữa xuống và bé có vẻ thoải mái, hãy nhẹ nhàng gỡ núm trợ ti ra để cho bé ti trực tiếp và xem phản ứng. Nếu bé có vẻ chần chừ nhưng vẫn thoải mái thì cứ để tự bé làm quen một thời gian. Nếu bé tỏ vẻ khó chịu thì mẹ lại gắn trợ ti vào. Cố gắng làm nhiều lần trong một cữ bú.Khi bé chịu ngậm vú mẹ thành công, mẹ có thể sử dụng bộ câu sữa để khuyến khích bé bú nhiều hơn. Lý do tôi không nhắc đến bộ câu sữa trong những gợi ý là vì bé đã bỏ bú mẹ lâu nên cần thời gian để quen lại với ti mẹ. Tuy nhiên tùy điều kiện mà bạn có thể mua sẵn một bộ câu sữa để khi cần thì sử dụng.

  8. Vừa đi vừa cho bú
    Bế bé ở tư thế thẳng, đầu bé ngang với bầu vú mẹ (mẹ để ngực trần), vừa đi lại nhẹ nhàng vừa cho bé bú (vừa đi vừa bú).

  9.  Ép bầu vú (breast compression) khi cho bé bú
    Ép bầu vú là động tác dùng ngón cái đặt lên phần trên của bầu vú, các ngón tay nằm dưới bầu vú nhẹ nhàng “ép” (nặn) xuống khi bé đang bú. Cố gắng không để tay sát phần quầng thâm và núm vú vì sẽ làm gián đoạn khớp ngậm của bé. Thực hiện điều này khi bé ngậm vú đúng và sâu, cơ thể bé ở vị trí đúng (tai-vai-hông thẳng hàng). Động tác này giúp tạo áp lực lên các tuyến sữa giúp kích thích sữa ra nhiều hơn, đồng thời tạo điều kiện cho phản xạ xuống sữa được dễ dàng hơn.

     

     

    Kỹ thuật ép bầu vú ở vị trí ôm bóng (football hold) Dùng ngón cái đặt lên bầu vú và các ngón khác ở dưới bầu vú, nhẹ nhàng ép (nặn) về phía quầng thâm và núm vú khi bé bú. Nguồn ảnh: Breastfeeding Support
    Kỹ thuật ép bầu vú ở vị trí ôm bóng (football hold)
    Dùng ngón cái đặt lên bầu vú và các ngón khác ở dưới bầu vú, nhẹ nhàng ép (nặn) về phía quầng thâm và núm vú khi bé bú.
    Nguồn ảnh: Breastfeeding Support

    Mẹ có thể bắt đầu thực hiện động tác ép bầu vú khi bé đã bắt đầu ngậm mút vú và nuốt. Động tác này có thể làm thường xuyên trong các cữ bú, dừng lại để nghỉ ngơi khi mẹ thấy mỏi tay và sau đó tiếp tục làm kể cả khi sữa đã xuống. Lưu ý không ép mạnh quá sẽ gây cảm giác khó chịu hoặc đau đớn cho mẹ.

Breast Compression
Kỹ thuật ép bầu vú ở vị trí ôm ru (craddle hold). Nguồn: Breastfeeding Support

Lưu ý: Không nên thực hiện động tác này liên tục, tức là bóp/ấn liên tục không nghỉ vì vừa làm mẹ đau tay vừa không đem lại hiệu quả như ý.

Clip dưới đây mô tả động tác ép bầu vú ở phút 1:26


10. Tập bú lại khi bé buồn ngủ

Khi bé có dấu hiệu sắp ngủ hoặc tỏ vẻ không đói lắm, mẹ có thể bắt đầu tiếp da, cho bé tiếp xúc với bầu vú. Sẽ hiệu quả hơn nếu trước đó mẹ mát xa để kích thích phản xạ xuống sữa, đồng thời trong quá trình bú, mẹ ép bầu vú như hướng dẫn ở trên.

II. NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG CẦN NHỚ

Không phải mẹ nào cũng thành công trong việc đem con trở lại bầu vú dù tỉ lệ thành công khá cao đối với những trường hợp với kiến thức đúng và sự hỗ trợ phù hợp, cũng như không phải mọi sự cố gắng đều mang lại kết quả mong đợi. Mẹ dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng, thất vọng và mặc cảm khi mục tiêu đặt ra không đạt được.
Cơ thể của người mẹ không thất bại trong việc cho con bú, mà việc cho con bú gặp khó khăn vì nhiều lý do: thiếu kiến thức, ngộ nhận, thiếu sự hỗ trợ và tư vấn hợp lý.
Điều quan trọng là con bú đủ, mẹ đọc bài Dấu hiệu bé bú đủ để hiểu rõ hơn.
Cân nặng của trẻ bú mẹ cũng là một yếu tố các mẹ rất quan tâm.
Đối với các mẹ mất sữa một thời gian, cảm giác bầu ngực không căng đầy có thể khiến mẹ tự ti. Tuy nhiên, ngực đầy ngực căng không phải là yếu tố quyết định, cũng như ngực nhỏ ngực to cũng không liên quan gì đến chuyện ít hay nhiều sữa.
Chúc các mẹ thành công, và mọi sự thành công dù lớn hay nhỏ cũng đều là nỗ lực dành cho con mà không ai có thể thay được vai trò của mẹ.

Tác giả bài viết: Nguyen Dao

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết