Chế độ dinh dưỡng khi mang thai sao cho con thông minh?
Não của thai nhi bắt đầu hình thành từ tuần thứ 5 của thai kỳ, và tiếp tục phát triển không ngừng cho đến lúc trẻ chào đời. Các chuyên gia còn phát hiện ra rằng, chỉ trong 5 tuần cuối của thai kỳ, não trẻ có thể phát triển thêm 33% và có khả năng hình thành đến 250.000 tế bào thần kinh trong mỗi phút. Theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng khi mang thai và lối sống của mẹ bầu có tác động rất lớn đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là não bộ.
1. Axit folic – Nền tảng cho sự phát triển trí não
Ống thần kinh là cấu trúc tồn tại trong giai đoạn đầu khi thai nhi mới hình thành và sẽ tiếp tục phát triển thành não và tủy sống sau 28 ngày đầu tiên. Bất kỳ dị tật nào ảnh hưởng đến quá trình đóng lại của ống thần kinh cũng có thể dẫn đến sự phát triển không bình thường của não và tủy sống của thai nhi.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, ngay từ khi có ý định mang thai, bạn nên bổ sung axit folic thêm cho cơ thể. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu khi mới mang thai, việc bổ sung folic có vai trò cực kỳ quan trọng. Theo các chuyên gia, tuy không thực sự gây ra các khuyết tật ống thần kinh, nhưng việc bổ sung axit folic đầy đủ khi mang thai có thể ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ dị tật thai nhi.
Hơn nữa, axit folic còn rất cần thiết cho quá trình tổng hợp nhân tế bào ADN, ARN và protein, gây ảnh hưởng đến sự hình thành nhau thai và tăng trưởng của bào thai. Với những phụ nữ mang thai, lượng axit folic bị đào thải qua nước tiểu sẽ tăng lên làm lượng axit folic trong cơ thể càng bị suy giảm đáng kể, từ đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu hồng cầu, làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân…
2. Chế độ dinh dưỡng khi mang thai: Không thể thiếu omega-3!
Cùng với a-xít folic, omega 3 được xem là dưỡng chất thiết yếu cho sự hình thành và phát triển não bộ của bé ngay từ trong bụng mẹ. Đây là 1 nhóm axit béo không no, tiền chất tạo nên DHA, dưỡng chất tốt cho bộ não, mắt và hệ thần kinh trung ương và EPA, hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch, tim mạch. Một nghiên cứu của Trường Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) cho thấy, phụ nữ bổ sung càng nhiều DHA và omega-3 từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 của thai kỳ, chỉ số thông minh của trẻ càng cao khi được kiểm tra lúc 6 tháng tuổi.
Omega 3 cũng đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa chuyển dạ sớm, hạn chế tiền sản giật và tình trạng tăng cân quá mức. Đồng thời giúp cơ thể sản xuất ra hormone prostaglandin có tác dụng điều hòa huyết áp, giảm chứng máu khó đông, ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng cường chức năng nhận thức, ngăn ngừa dị ứng, phát triển thần kinh và thị giác cho thai nhi.
3. Chế độ dinh dưỡng khi mang thai: Tầm quan trọng của i-ốt
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mẹ bầu cần bổ sung 250mcg i-ốt trong chế độ ăn hàng ngày, bởi i-ốt tham gia vào quá trình thúc đẩy sự phát triển não bộ của thai nhi và trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Ngoài ra, i-ốt cũng cần thiết cho quá trình sản xuất hormone tuyến giáp giúp kiểm soát sự trao đổi chất.
Thực tế, nếu có một chế độ dinh dưỡng khi mang thai cân bằng và đa dạng giữa các loại thực phẩm, việc thiếu hụt i-ốt khó có thể xảy ra. Hơn nữa, theo các chuyên gia, mẹ bầu không cần bổ sung đủ lượng i-ốt mỗi ngày mà chỉ cần tập trung hấp thụ trong một vài bữa ăn trong tuần.
Gợi ý thực phẩm giàu i-ốt cho bà bầu: Trứng, sữa, rau, hải sản, các loại cá nước mặn, các loại rong biển và tảo biển… Muối i-ốt cũng là nguồn bổ sung dồi dào cho mẹ bầu. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi cũng như hạn chế nguy cơ sức khỏe, mẹ bầu không nên ăn quá mặn.
Nguồn tin: marrybaby.vn
Những bài viết mới hơn
Những bài viết liên quan