Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

Bệnh tiểu đường có phải kiêng ăn đường?

Nếu chỉ kiêng đường thì chưa đủ. Ăn uống theo nhu cầu cơ thể, giữ trọng lượng vừa phải mới là cách hạn chế mắc tiểu đường một cách đúng đắn.
Bệnh tiểu đường có phải kiêng ăn đường?

Kiêng gây hại

Có thể nói, trong bất cứ gia đình, khu phố nào, cũng có người mắc tiểu đường hoặc nguy cơ mắc tiểu đường. Hầu như ai cũng có một người thân, người quen mắc tiểu đường. Có lẽ vì thấy cái “nhãn tiền” như vậy, nên nhiều người trẻ hiện nay sợ và gần như kiêng hẳn ăn đường. Bánh ngọt, bánh kem, sữa, hoa quả có vị ngọt… gần như không đụng đến. Sự lựa chọn của những đối tượng sợ tiểu đường này là: Sữa không đường, bánh ít có vị ngọt (hoặc bánh mặn), hoa quả ít ngọt… Chị Nguyễn Hồng Liên (tập thể Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong số những người áp dụng sự lựa chọn như vậy. Dù chỉ mới 28 tuổi, chăm tập thể dục và cân nặng cơ thể rất chuẩn, nhưng ai mời chị bánh kẹo ngọt, chị đều lắc đầu quầy quậy: “Ăn bây giờ để sau này tiểu đường à!”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Văn Bình, giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, dù là kiêng đường nhưng có chế độ ăn dư năng lượng (mỡ, đạm…) thì cơ thể đều tích lũy lại và gây nên nhiễm độc. Việc kiêng đồ ăn còn mang lại ý nghĩa tiêu cực, gây thiếu chất, thiếu năng lượng cần thiết. Nếu kiêng hoa quả ngọt thì sẽ mất một số vitamin, khoáng chất, chất xơ và yếu tố vi lượng. Sự mất cân đối này có thể gây bệnh lý. Đường (gluco) chuyển hoá và duy trì hoạt động sống. Kiêng đường nhiều sẽ khiến cơ thể thiếu năng lượng, và điều này rất nguy hiểm.

Cách tốt nhất để tránh tiểu đường là có chế độ dinh dưỡng điều hoà, cân đối. Bản thân đái tháo đường và các bệnh rối loạn chuyển hoá nói chung có yếu tố môi trường (bao gồm ăn uống, luyện tập, đặc biệt là stress). Yếu tố stress có thể gây rối loạn tâm sinh lý, rối loạn nội tiết nhưng không phải ai cũng biết.

Ăn theo nhu cầu

Cùng quan điểm này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thêm, cơ thể luôn cần đường bột gluxit, chất đạm, chất béo, vitamin (có trong quả chín, rau xanh). Đúng là béo thì dễ mắc đái tháo đường, nhưng không có nghĩa kiêng đường sẽ giảm béo và tránh được đái tháo đường. Nhiều thực phẩm như mì sợi, khoai, miến… vào cơ thể cũng chuyển hoá thành đường. Vì vậy, cách ăn khoa học là ăn theo nhu cầu,  theo tính chất lao động và độ tuổi, theo tình trạng sức khoẻ của mình. Tất cả các thực phẩm hiện nay đã được tính toán và đưa ra con số năng lượng đem lại. Tất nhiên, không phải ai cũng thuộc các con số này, cũng như không phải “ăn theo sách”. Chính bác sĩ dinh dưỡng sẽ là người tư vấn và đưa ra chế độ ăn hợp lý.

Mỗi người cũng có thể kiểm soát cân nặng của mình bằng cách tính theo chỉ số BMI: Lấy cân nặng chia cho chiều cao bình phương. Nếu kết quả này dao động từ trên 18,5 – dưới 23 thì ở mức bình thường (khoảng 20, 21, 22 là đẹp). Nếu con số tính được thấp hơn 18,5 là gầy, cao hơn 23 là béo. Tính như vậy để giữ cơ thể ở mức trọng lượng hợp lý nhất.

Tác giả bài viết: Trần Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết