Phát hiện bệnh Kawasaki ở trẻ
Mới đây, bệnh nhi NTTK. (27 tháng tuổi, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) bị sốt cao 4 ngày liền, góc hàm trái sưng to, người nổi nhiều mẩn đỏ. Bố mẹ bé cho rằng, bé K. mắc quai bị nên đưa đến một phòng khám tư nhân điều trị.
Tuy nhiên, sau mấy ngày điều trị, tình trạng của bé ngày càng nặng. Lúc này gia đình mới đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cấp cứu. Các bác sĩ kết luận, bé mắc bệnh Kawasaki, cần điều trị đặc biệt.
Tương tự, trong năm 2016 BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng ghi nhận vài chục trường hợp mắc căn bệnh này nhưng đa số bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khá nặng. Bệnh nhi thường trải qua nhiều giai đoạn điều trị, phụ huynh mới biết con mình mắc căn bệnh kỳ lạ này.
Liên quan đến căn bệnh nguy hiểm trên, để các bậc phụ huynh nhận biết sớm bệnh, phóng viên Emdep.vn đã có cuộc trao đổi với PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội.
Theo TS Dũng, bệnh Kawasaki (hội chứng da niêm mạc hạch bạch huyết) do một người Nhật Bản phát hiện ra và thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh này nguy hiểm và có thể gây tử vong cao ở trẻ.
Được biết, biểu hiện lâm sàng của bệnh là bé đang khỏe mạnh, đột nhiên sốt cao sau kèm phát ban, đặc biệt ban nổi ở người sau đó nổi ở bàn tay và môi, lưỡi.
“Môi của bệnh nhân đỏ sẫm, thậm chí lưỡi cũng đỏ, mắt bé bị viêm kết mạc, mắt đỏ, khó mở mắt. Sau đó bệnh nhân sẽ bị sưng hạch ở cổ”, TS Dũng nói.
Theo TS Dũng, khi bé mắc bệnh và sốt, dù được bác sĩ cho dùng thuốc kháng sinh vẫn tiếp tục sốt. Sau khi hết sốt, bệnh nhân bị bong da ở tay, môi đỏ sẫm, thường 1-2 tuần mới khỏi sốt.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh Kawasaki
Tiến sĩ Dũng lưu ý: “Bệnh Kawasaki có một biến chứng rất nguy hiểm là làm viêm mạch máu, viêm mạch vành. Bởi vì, mạch vành là mạch máu để nuôi tim. Khi các mạnh vành bị viêm thường phình lên dẫn đến việc giãn mạch máu, người ta gọi là phình mạch vành".
Điều này có thể dẫn đến suy tim khi chỗ phình của mạch vành bị vỡ ra. Đặc biệt. biến chứng này nguy hiểm, vì 1,2 tuần sau khi hết sốt sẽ khó cứu chữa.
Theo BS.Dũng, bản thân bệnh Kawasaki không nguy hiểm. Nhưng đáng lo nhất là biến chứng phình mạch vành. Ban đầu rất khó xác định, vì các biểu hiện của bệnh chung chung, nếu muốn phát hiện rõ bệnh phải siêu âm tim.
Về phương pháp điều trị bệnh, TS Dũng nói: “Khi bác sĩ thăm khám và chẩn đoán ra bệnh Kawasaki sẽ được điều trị bằng 2 thuốc chính:
Uống Aspirin làm giảm đau, hạ sốt, chống viêm và phòng ngừa tắc động mạch vành (thuốc này dùng liều cao, dùng lâu dài)
Truyền tĩnh mạch Gamma globulin nhằm phòng ngừa biến chứng giãn phình mạch vành (thuốc này phải dùng liều cao, truyền tĩnh mạch ngay lập tức. Sau khi truyền thuốc này, bệnh nhân đang sốt cao nhưng có thể hạ sốt ngay lập tức và giảm được nguy cơ giãn mạch vành”.
Theo TS Dũng, sau khi được truyền đúng loại thuốc và đã ngăn được nguy cơ tử vong, trẻ vẫn phải tiếp tục theo dõi thêm một thời gian dài.
Trong 6 tháng đầu, bệnh nhân phải siêu âm hàng tháng, 3 tháng phải siêu âm tim một lần để kiểm tra xem đã khỏi giãn mạch vành hay chưa.
“Đây là một bệnh cấp tính nhưng điều trị lại kéo dài vì liên quan đến tim mạch và có nguy cơ gây tử vong cao. Vì vậy, để con em mình không bị rơi vào tình trạng nguy hiểm, các bậc phụ huynh hãy chú ý những biểu hiện ban đầu của con”, TS Dũng cho biết.
Qua đây, TS Dũng cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy con bị sốt cao kéo dài, luôn nhắm mắt do sợ ánh sáng, sưng hạch ở một bên vùng cổ hay dưới hàm, hạch to hơn 1,5 cm, không có mủ, môi trẻ rất đỏ, kèm theo nứt khô, có khi rỉ máu... hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
“Trước đây, khi cha mẹ phát hiện con bị bong da hay sốt lâu không khỏi mới đưa đi viện. Lúc này, do điều trị muộn nên có nhiều trẻ bị giãn mạch vành gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ tử vong hay mắc bệnh tim mạch lâu dài, trẻ cần được chẩn đoán và điều trị sớm”, TS Dũng khuyến cáo.
Tác giả bài viết: Trang Lê
Nguồn tin: emdep.vn
Những bài viết mới hơn
Những bài viết liên quan