Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

Ảnh hưởng của biếng ăn sớm lên sự tăng trưởng và phát triển của trẻ

Cuối tuần vừa qua tôi được mời đến một hội nghị chủ đề "Trạng thái thiếu dinh dưỡng là 'thảm họa' của cơ thể nhỏ". Một số báo cáo lâm sàng của một số chuyên gia tại Anh về biếng ăn đã làm tôi khá chú ý đến hiện tượng biếng ăn của trẻ em Châu Á, trong đó có trẻ em VN. Hình như biếng ăn Châu Á, so với các bé Châu Âu, đang phát triển sớm hơn
Ảnh hưởng của biếng ăn sớm lên sự tăng trưởng và phát triển của trẻ

Thay vì, những biểu hiện lâm sàng cho thấy biếng ăn được chẩn đoán là từ 1.5 tuổi, nhưng nhiều bé Châu Á (kể cả VN) đã được báo cáo tại hội nghị có biểu hiện phát triển biếng ăn từ 9-10 tháng tuổi. Rất nhiều hệ quả chúng tôi lo lắng về biểu hiện biếng ăn sớm. Nếu bé có biểu hiện biếng ăn quá sớm thì thực sự rất ảnh hưởng đến trạng thái dinh dưỡng và tăng trưởng của bé, đến các vấn đề sức khỏe miễn dịch của trẻ và gây nhiều áp lực stress lên người mẹ.

Vậy lí do nào làm gia tăng những tình trạng biếng ăn sớm ở trẻ? Liệu giải pháp và can thiệp dinh dưỡng nào cần chú tâm khi trẻ bắt đầu biếng ăn sớm?


HỌC CÁCH ĂN KHÁC BIẾNG ĂN SỚM


Biếng ăn sớm là khái niệm để chỉ trẻ bắt đầu có biểu hiện sớm với việc từ chối thức ăn, kén chọn thức ăn và kéo dài bữa ăn có chủ đích. Những biểu hiện này có thể xuất hiện và có xu hướng gia tăng chỉ sau 1 thời gian ngắn giới thiệu thức ăn dặm. Theo báo cáo thực nghiệm, tầm 9-10 tháng tuổi bé có thể xuất hiện rõ các hành vi phát triển biếng ăn sớm.

Cha mẹ cần phân biệt biếng ăn sớm với sự khó ăn của trẻ trong giai đoạn ăn dặm. Khó ăn là biểu hiện bình thường vì trẻ chưa học được kỹ năng nhai nuốt, nhạy cảm với mùi vị thức ăn, men tiêu hóa chưa hoàn chỉnh nên trẻ có thể có biểu hiện ăn châm, ăn rất ít, từ chối quay đầu và biểu hiện phản ứng đẩy thức ăn.
Các biểu hiện trên nếu bé dần quen và chấp nhận thì bình thường. Nhưng, bé có biểu hiện lo ra trong bữa ăn, nhìn thấy thức ăn từ xa là khóc, có thể thích thú với thức ăn mẹ ăn, nhưng khi đút bé có phản ứng khó khăn, bé có thể ăn rất chậm, số lần quay đầu nhiều. Đó có thể là dấu hiệu mẹ nên theo dõi để ngăn ngừa biếng ăn sớm.


 

Be bieng an suy dinh duong

VÌ SAO TRẺ LẠI PHÁT TRIỂN BIẾNG ĂN SỚM?

Với những bằng chứng hiện hành trong lĩnh vực khoa học dinh dưỡng, chúng ta chưa có giải thích rõ ràng về cơ chế sinh học liên quan đến biếng ăn sớm. Tuy nhiên, một số bằng chứng ủng hộ: Biếng ăn sớm là liên quan đến thực hành ăn dặm chưa đúng và khoa học của cha mẹ. Đây là một số điều chưa đúng mà cha mẹ dễ mắc lỗi, góp phần làm trẻ biếng ăn sớm:

*Cho trẻ ăn dặm quá sớm trước 5.5 tháng tuổi. Ăn dặm quá sớm khi trẻ chưa sẵn sàng về cơ thể để tiếp nhận thức thức ăn dạng bán lỏng. Vị giác và dịch tiêu hóa cũng chưa sẵn sàng cho việc tiêu hóa thức ăn khác ngoài sữa.

*Cho gia vị vào thức ăn trẻ dưới 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi không cần muối, không cần đường, bột nêm, nước mắm vì trẻ có số lượng gai vị giác lớn và nhạy cảm với độ mặn, ngọt của thức ăn có gia vị, nên rất dễ làm trẻ rối loạn vị giác.

*Dùng TV, điện thoại, ipad gây chú ý và làm trẻ ăn. Đây là giải pháp nhiều cha mẹ áp dụng khi thấy trẻ không chịu ăn, nhưng ít ai hiểu được hậu quả nghiêm trọng của việc làm này. Một trạng thái ăn vô thức sẽ hình thành cho trẻ từ rất sớm và làm trẻ mất khả năng học hỏi trong ăn uống và dễ gây "nghiện". Một nghiên cứ gần đây tại Anh cho thấy: Việc cho trẻ chơi thiết bị điện tử sớm là đang giao cho trẻ 1 viên "ma túy" mỗi ngày.

* Khi bắt đầu ăn dặm, tâm lý sợ trẻ ăn ít hoặc hay so sánh lượng ăn bé này với bé khác, hoặc thấy bé biểu hiện sự khó trong học cách ăn, cha mẹ nghĩ trẻ ăn không đủ lượng và ép bé ăn, lừa bé ăn nhiều hơn lượng bé cần. Điều này sẽ làm bé mất hứng thú với mùi vị thức ăn và trở nên lúc nào cũng áp lực với ăn.

 

trẻ biếng ăn vì xem điện thoại


THIẾU HỤT DINH DƯỠNG CHO NHỮNG BÉ BIẾNG ĂN SỚM.

Ngay từ rất sớm bé đã có nguy cơ thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng do biếng ăn vì:

*Nếu biếng ăn sớm thì thời gian bị biếng ăn sẽ lâu, dẫn đến hạn chế ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng cho những giai đoạn tăng trưởng thiết yếu, đặc biệt trước 4 tuổi:

VD. Trẻ biếng ăn sớm thường hạn chế ăn rau củ. Dĩ nhiên, hệ quả là hạn chế lấy đủ vitamin A và Vitamin nhóm B (B1, B3, B5 và B6) từ rau củ quả cần thiết cho phát triển thị giác, não bộ và chiều cao

*Nếu biếng ăn sớm, thì có nguy cơ hạn chế nguồn dinh dưỡng cho các hoạt động miễn dịch. Hoạt động miễn dịch trước 5 tuổi rất quan trọng vì sẽ giúp trẻ hoàn thiện các đáp ứng miễn dịch sớm với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm, vi rút. Trẻ biếng ăn sớm thường hay bệnh vặt, nhiễm đường hô hấp, viêm da và nhiễm nấm.

VD: Trẻ biếng ăn sớm có thể hạn chế nhận đủ các chất dinh dưỡng quan trọng trong miễn dịch như vitamin A, C, D và nguyên tố kẽm. Khi tham gia một hoạt động miễn dịch nào đó, các chất dinh dưỡng trên cần đầy đủ và có mặt sẵn sàng. Thiếu 1 trong những chất trên cũng làm trẻ thất bại trong đáp ứng miễn dịch. Ví dụ, kẽm sẽ hỗ trợ Vitamin A trong các tế bào thị giác. Thiếu hụt lâu dài sẽ làm bé dễ bị các bệnh viêm nhiễm và gây hậu quả lên tăng trưởng.

LIỆU PHÁP CAN THIỆP DINH DƯỠNG CHO BÉ BIẾNG ĂN SỚM

*Không ép bé ăn vì trẻ bị biếng ăn sớm rất khó ép và gây nhiều phản ứng. Nên tạo môi trường ăn dặm thoải mái và có thể cho bé 1 phần để bé chơi và khám phá

*Cân bằng bữa ăn phải đủ chất dinh dưỡng và phải đảm bảo không được thiếu chất đạm và các nhóm vitamin quan trọng kể trên vì giai đoạn trước 5 tuổi là giai đoạn rất cần chúng để hoàn thiện hàng loạt các hoạt động cho trẻ sử dụng sau này. Thiếu hụt dẫn đến gia tăng nguy cơ trẻ kém tăng trưởng, thấp bé và dễ bệnh tật.

*Không nên nêm gia vị thêm vào thức ăn. Nếu đã lỡ nêm, bạn có thể tham khảo cách hướng dẫn của tôi về cách làm "giả muối từ thực vật" trong bài viết trước của tôi để điều chỉnh lại vị giác cho bé.

*Phân bố lượng thức ăn hợp lý và phù hợp với mỗi trẻ, ở mỗi bữa ăn. Tăng thêm bữa phụ.

*Lựa chọn các thực phẩm tươi sống và nên chế biến cho bé ăn từ thực phẩm tươi sống, tránh cho bé đồ ăn làm sẵn vì bạn có thể không kiểm soát được bao nhiêu gia vị và thành phần họ sử dụng.

Tác giả bài viết: Dr Anh Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết