Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

Cận tết rau quả Trung Quốc tung hoành thị trường cả nước

Giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, tại các chợ đầu mối, nguồn rau quả nhập từ Trung Quốc đổ về ùn ùn mỗi ngày. Điều đáng nói, chúng đã được các tiểu thương phù phép và “gắn mác” hàng Việt hoặc hàng nhập từ Mỹ, Úc để đánh lừa người tiêu dùng.
Cận tết rau quả Trung Quốc tung hoành thị trường cả nước


Hoa quả Trung Quốc giá rẻ như cho

Theo ghi nhận của PV, những ngày cuối năm này, tại khu vực nhập  trái cây ngay cổng chợ đầu mối thực phẩm nông sản Thủ Đức luôn tấp nập mỗi khi đêm về. Khoảng 3 giờ sáng, đã có tới 50 - 60 xe container chở cam, táo, hồng... có bao bì ghi chữ Trung Quốc vào chợ  “nhả hàng”.

Một chủ vựa ở đây thừa nhận phục vụ cho lễ, tết nên hai tháng cuối năm lượng hàng TQ đổ về nhiều gấp đôi thời điểm khác. Cùng lượng về dồn dập, giá bán các loại trái cây được nói thẳng có nguồn gốc từ TQ khá thấp so với hàng trong nước. 

Chỉ cách vài bước chân, trong nhà lồng chợ đầu mối Thủ Đức, cam sành miền Tây giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, còn tại cổng chính chợ này, cam được rao của TQ loại nhỏ chỉ 120.000 - 130.000 đồng/sọt 18 - 20kg (tính ra chỉ khoảng 6.000 đồng/kg). Nho đen trái to chỉ từ 100.000 - 120.000 đồng/thùng 7kg (khoảng 17.000 đồng/kg); hồng 100.000 - 110.000 đồng/thùng 9kg (hơn 9.000 đồng/kg), táo 60.000 đồng/thùng 8kg (7.500 đồng/kg)... Nhiều chủ vựa còn cho biết nếu mua số lượng nhiều, giá giảm thêm 10-15%.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà - phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - cho biết số lượng trái cây nhập về chợ mỗi đêm ước tính khoảng 2.100 tấn, trong đó 1.510 tấn là trái cây trong nước và 600 tấn trái cây ngoại nhập. Bà Hà nêu dù có kiểm soát lượng hàng trái cây về mỗi đêm nhưng cũng không kiểm soát được thông tin về xuất xứ hàng mà tiểu thương trao đổi với khách hàng. Mới đây, chợ đầu mối cũng ký kết với Hà Giang về lượng cam sành nhưng số lượng hạn chế, không nhiều như tiểu thương bán ngoài chợ.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, ngoài cam ra thì quýt kim, táo... phần nhiều có xuất xứ từ TQ. “Chúng tôi đang thống kê các loại hàng của TQ. Như cam sành có in logo hàng TQ nhưng tiểu thương đã xé nhãn này khi bán cho khách hàng” - bà Hà nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, cũng xác nhận ở chợ đầu mối có hai loại cam rất giống nhau là cam sành Hà Giang và cam TQ. Theo bà Thoa, cam Hà Giang chỉ đóng trong sọt giỏ chứ không có nhãn hiệu gì, còn cam có logo màu đỏ và được vận chuyển bảo quản bằng container lạnh là cam TQ.


 

Cận tết rau quả Trung Quốc tung hoành thị trường cả nước

Một lượng rau quả rất lớn từ Trung Quốc được nhập về chợ Thủ Đức mỗi ngày những sau đó lại được gắn mác hàng Việt 

 

Đến tay tiểu thương biến thành hàng Việt, hàng Thái…

Ngoài một số tiểu thương khi  bán ở chợ đầu mối nói thẳng là rau quả TQ, có nhiều người bóc logo in hình ghi chữ TQ và công bố đây là hàng VN. Đang loay hoay ghi chép số lượng tiểu thương lấy hàng, ông H. - chủ sạp bên tay phải cổng chợ - cho biết gần hai ngày trái cây mới được vận chuyển từ Hà Giang về đây. Nhưng khi PV thắc mắc về logo giỏ cam in hình TQ thì người đàn ông này quát: “hàng Tàu thì có sao nào...”.

Tương tự, khi PV theo chân một tiểu thương tên T. vừa lấy hai giỏ cam từ container biển số 51R... được đóng gói hộp chữ TQ và được tiểu thương chợ đầu mối khẳng định là hàng TQ, tới điểm bán của bà T. ở một chợ lẻ trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), khi vào hỏi mua lô hàng mới vừa về được vài phút, chồng bà T. đứng bán đã khẳng định ngay đây là cam Hà Giang. Khi được hỏi kỹ hơn, ông miễn cưỡng cho biết:  “thấy rẻ lấy về bán chứ ai biết được cam Hà Giang hay TQ?!”.

Dù chỉ cách hơn 2km nhưng hai thùng quýt có xuất xứ từ TQ mua tại chợ đầu mối Thủ Đức đã được ông B. (Q.12) lột sạch nhãn ghi chữ TQ trước khi bày bán tại An Phú Đông (Q.12) với giá cao gấp 4-5 lần và khẳng đinh: “Quýt Thái đây, hàng miền Tây hẳn hoi, đang vào mùa nên giá chỉ 35.000 đồng/kg”.

Giải thích cho lý do phải phù phép hàng Trung Quốc thành hàng Thái, hàng Việt, chị Thanh – một tiểu thương chuyên lấy trái cây tại chợ nông sản Thủ Đức cho biết, người tiêu dùng bây giờ cứ nói đến hàng Trung Quốc là họ tẩy chay, ngó lơ. Để dễ bán hàng, các tiểu thương buộc phải thay tên đổi họ hàng Trung Quốc thành hàng Việt hay hàng nhập từ Mỹ, Úc hay Thái Lan… Chưa kể, các loại trái cây nhập từ Trung Quốc sẽ tươi lâu, có thể để hàng tuần mà không bị héo như trái cây Việt.

Hàng Trung Quốc giá rẻ, bảo quản lâu nên vẫn thắng thế

Dọc cung đường Lê Đức Thọ (TP.HCM), rau củ quả được bày bán tràn cả ra đường. Trực tiếp khảo sát thị trường, ông Nguyễn Công Thừa - chủ nhiệm HTX nông nghiệp Anh Đào (Lâm Đồng) - cho biết các loại rau củ như cà rốt, khoai tây, bắp cải, cải thảo, cà chua... được nhập từ TQ rất nhiều.

Ông Thừa nhận định,  trung bình mỗi ngày tại thị trường TP.HCM tiêu thụ khoảng 200 tấn rau củ quả nhập khẩu từ TQ. Sản phẩm nhập từ TQ bảo quản được lâu hơn, mẫu mã đẹp và giá lại rất rẻ nên vẫn được các nhà hàng, bếp ăn... lựa chọn sử dụng. Chính điều này khiến sản phẩn của nông dân trong nước khó có thể cạnh tranh được với nông sản nhập từ Trung Quốc.

Tại chợ đầu mối Văn Quán – Hà Nội, mỗi đêm lượng rau củ quả từ Trung Quốc đồ về đây cũng tương đối nhiều. Lý giải về vấn đề này, chị Loan, tiểu thương bán các loại củ quả tại chợ Văn Quán, cho biết rau củ VN giá cao, nguồn hàng đáp ứng nhu cầu lớn lại “phập phù”, trong khi hàng TQ rất dễ nhập, đặc biệt là cà rốt và củ cải, khoai tây, hành, tỏi... nên tại chợ đầu mối rau quả Văn Quán, hàng được nhập từ nhiều nơi song phần nhiều từ TQ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hoa quả và rau củ TQ nhập khẩu vào VN ngày một tăng. Dù là nước nông nghiệp, song ước tính mỗi năm chúng ta chi khoảng 4.000 tỉ đồng để nhập hàng trăm nghìn tấn hành, bắp cải, táo, cam, nho... từ TQ. Tổng cục Hải quan cho hay lượng rau củ nhập khẩu từ TQ vẫn tăng mạnh, 10 tháng đầu năm đã lên tới khoảng 3.800 tỉ đồng. Đứng đầu là hành tây, khoai tây, cà rốt, củ cải...

Không chỉ rau củ, Tổng cục Hải quan nêu trong 10 tháng đầu năm, VN đã nhập tới 63.000 tấn táo, 19.600 tấn cam và hơn 15.000 tấn nho từ TQ... Đó là những con số ghi nhận chính ngạch. Còn lượng hàng nhập lậu về Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau còn chưa tính hết. Dịp cuối năm âm lịch này hàng về càng nhiều, nhưng thực tế rau củ quả gắn nhãn TQ trên thị trường lại rất ít...Vì vậy, nguy cơ người dân ăn phải hàng Tàu đội lốt hàng Việt là rất lớn.

Cần siết chặt từ khâu quản lý nhập khẩu

Trước thực trạng hàng Việt sản xuất ra khó cạnh tranh trong khi hàng Trung Quốc được nhập về ồ ạt với giá rẻ, mẫu mã đẹp lại được đội lốt hàng Việt khi tung ra thị trường, khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang lo lắng về chất lượng nguồn hàng.

Chưa kể, phía các nhà vườn, hộ nông dân trong nước cũng gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm của mình tiếp cận đến tay người tiêu dùng. Dẫn đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, thiệt đơn, thiệt kép. 

Đây là bài toán khó cần có lời giải từ các nhà quản lý. Phải chăng, bên cạnh ý thức tiêu dùng của người dân, chúng ta cần siết chặt các khâu quản lý nhập khẩu và phân phối để đảm bảo nguồn hàng đưa ra thị trường đúng nguồn gốc xuất xứ và người dân chọn đúng được sản phẩm có chất lượng như mình mong muốn.

Nguồn tin: Tuổi Trẻ Thủ Đô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết