Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

Như thế nào là ăn sạch

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà thực phẩm “bẩn” tràn lan trên thị trường, Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng thư kí Hội Dinh dưỡng Việt Nam đã có buổi nói chuyện về vấn đề thế nào là ăn “ sạch” trong chương trình "Thực khách thông thái", một chương trình về Sức khoẻ ẩm thực của Đài Tiếng nói Việt Nam
TS Tu Ngu Nhu the nao la an sach


Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ (TS), dân gian ta có câu “bách bệnh tòng nhập khẩu” nghĩa là trăm thứ bệnh đều do ăn uống mà nhập vào cơ thể. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà thực phẩm “bẩn” tràn lan trên thị trường, theo TS thế nào là ăn “ sạch”?

Dân gian ta có câu “ họa từ miệng”. Ở đây ý của ông cha là ăn không sạch nên bị bệnh về tiêu hóa, đường ruột. Tuy nhiên câu nói trên hiện nay phải hiểu là thực phẩm tưởng như không gây tiêu chảy nữa nhưng thực ra lại gây bệnh.

Hiểu theo ý thứ nhất là ăn không cân đối cho nên gây rối loạn chuyển hóa, gây nên một số bệnh như là tiểu đường, huyết áp. Thứ hai cái “họa” đấy còn được hiểu là từ thực phẩm. Đó là thực phẩm bị ô nhiễm do hóa chất bảo quản hoặc là do các chất bảo vệ thực vật.

Nói về ăn “sạch” nó bao gồm thực phẩm, quá trình chế biến thực phẩm và thực phẩm công nghiệp. Mình phải hiểu là thực phẩm có bị ô nhiễm không, ô nhiễm như thế nào, ô nhiễm cái gì. Ngoài ra còn phải quan tâm đến dụng cụ dùng để chứa đựng thực phẩm. Ăn “sạch” là ăn thức ăn lành tính, bữa ăn lành tính, không gây bệnh, không gây rối loạn chuyển hóa và làm cho sức khỏe tốt lên.

Nói tóm lại, ăn “sạch” bao gồm các yếu tố sau: thực phẩm sạch, người chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh trong khi chế biến, công cụ chứa đựng thức ăn phải sạch và thời gian chế biến, thời gian dùng bữa hợp lý, hấp thụ được dưỡng chất một cách tốt nhất.

PV: Ăn sạch chỉ là một trong những yếu tố “ăn lành mạnh” đúng không thưa TS? Ăn lành mạnh gồm những yếu tố nào?

Đúng là ăn sạch chỉ là một trong những yếu tố của ăn lành mạnh. Ăn lành mạnh bao gồm đủ về lượng, đủ chất, đủ năng lượng cần thiết, cân đối các chất dinh dưỡng trong bữa ăn và thực phẩm phải lành tính.

Nói chung quan trọng nhất vẫn là thực phẩm phải lành tính thì các chất dinh dưỡng mới vào được cơ thể và được sử dụng trong cơ thể. Nếu ăn cân đối, ăn đủ lượng mà thực phẩm không lành thì sẽ gây vấn đề về tiêu hóa, sức khỏe. Bao giờ cũng đặt yếu tố “ lành, sạch” lên hàng đầu.
 

PV: Một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nhưng hiện nay, nhiều người lựa chọn xu hướng ăn nhiều rau xanh, thậm chí là ăn chay, TS có cho rằng đây là xu thế ẩm thực tốt cho sức khỏe hiện nay không?

Chúng ta sẽ không bàn luận ăn chay tốt hay không tốt. Nhưng thế nào là ăn chay, ăn chay có mang lại đủ chất dinh dưỡng không? Đấy là vấn đề chúng ta quan tâm.

Ăn chay có nguy cơ thiếu hai nhóm chất là protein và sắt. Hai chất này thường có nhiều trong thực phẩm động vật. Tuy nhiên ăn chay cũng không thiếu chất đạm nhiều vì trong các loại đậu, trong gạo cũng chứa đạm.

Xu hướng ăn nhiều rau cũng tốt cho sức khỏe nhưng chúng ta cần tìm hiểu kỹ các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm để kết hợp làm sao cho đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn. Và ăn đa dạng thức ăn sẽ cung cấp nhiều axit amin cần thiết cho cơ thể, như vậy sẽ hấp thụ và tiêu hóa chất dinh dưỡng tốt.

Tóm lại, từ trước đến nay chúng ta quan niệm ăn đủ các nhóm chất mới tốt nhưng ăn chay, ăn nhiều rau xanh mà ăn đa dạng cũng tốt cho sức khỏe.

PV: Thưa TS, TS có thể dự đoán xu hướng ẩm thực trong năm mới liệu có gì thay đổi không?

Thiết nghĩ, các trường phái ăn uống đã hình thành từ bao đời nay rồi. Thứ hai điều kiện kinh tế phát triển, thực phẩm dồi dào, văn hóa càng được giao lưu sẽ dẫn đến giao thoa ẩm thực, ăn uống giữa dân tộc này với dân tộc khác. Khi đó nhu cầu thưởng thức nhiều loại thực phẩm từ nơi khác ngày càng rõ nét.

Có thể nói ăn uống mang tính cá thể, ngay trong một gia đình cũng có nhu cầu ăn uống khác nhau. Tuy nhiên dù có thay đổi nhưng xu hướng ăn uống vẫn mang tính truyền thống dân tộc là chủ yếu.

Chúc các bạn có những bữa ăn ngon, đầy đủ, cân đối mang lại sức khỏe cho bản thân, gia đình mình.

Xin cảm ơn Tiến sĩ và chúc Tiến sĩ năm mới dồi dào sức khỏe!

Thu Hà, phóng viên VOV

Tác giả bài viết: TS. Từ Ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết