Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

Ngộ độc rượu - Hiểm nguy rình rập hàng ngày

Rượu, bia là một loại thức uống có từ lâu đời, thưởng thức rượu trong các dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa là một phần không thể thiếu của hầu hết các nước trên thế giới. Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc liên quan đến rượu, điều này khiến không ít người lo sợ nhưng nhiều người vẫn vô tư “nạp” rượu mỗi ngày.
Ngộ độc rượu - Hiểm nguy rình rập hàng ngày

Rượu bia là đồ uống chứa cồn, được sản xuất từ quá trình lên men, có hoặc không chưng cất từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của các loại cây và hoa. Bia được làm tự lúa mạch và một số hương liệu khác. Bia có độ cồn 3-7%; rượu vang, rượu sa kê có 9-15% độ cồn, rượu trung, rượu nhẹ 16-20% như Vodka men thông dụng nhất chẳng hạn. Rượu mạnh như rượu tự nấu, rượu “nút lá chuối”, rượu mạnh thường 35-45 độ hoặc cao hơn. Theo Viện nghiên cứu quốc gia về lạm dụng rượu và nghiện rượu của Hoa Kì quy định một đơn vị cồn uống tại Mỹ chứa 14 gam cồn tuyệt đối (khoảng 0.6 ounce). Thông thường, lượng cồn này sẽ tương đương:12 ounces bia tương đương  330ml bia, 140ml rượu vang, 40ml rượu mạnh. Theo khuyến cáo của chính phủ liên bang Hoa Kì về chế độ ăn cho người Mỹ năm 2010 thì những người uống trung bình là mỗi phụ nữ nên uống không quá 01 đơn vị cồn uống, mỗi nam giới nên uống không quá 02 đơn vị cồn uống trong ngày. Uống nhiều là khi uống hơn 3 đơn vị cồn uống bất cứ ngày nào hoặc trên 7 đơn vị cồn uống trong 1 tuần liên tục đối với phụ nữ và hơn 4 đơn vị cồn uống/ ngày bất kì hoặc hơn 14 đơn vị cồn uống trong 1 tuần. 
 

ngộ độc rượu


Rượu tự nấu, tự sản xuất (rượu nấu thủ công) vốn được người sử dụng rất ưa chuộng tuy nhiên vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất, vận chuyển, đưa ra thị trường của loại rượu này còn nhiều tồn tại bởi đa phần là những cơ sở nấu rượu tự phát nhỏ lẻ và tự bán ra thị trường trong và ngoài địa bàn sinh sống. 
Theo anh Nguyễn Văn Dậu, một chủ cơ sở nấu rượu cho biết: để có một nồi rượu tự nấu theo đúng nghĩa, người nấu rượu phải trải qua các công đoạn nấu gạo thành cơm, rồi trải ra bạt cho nguội, sau đó nghiền men viên thành bột và rắc lên, cho vào thùng kín ủ khoảng 3 ngày để cơm lên men, sau đó lại đổ nước vào ủ tiếp trong vòng 21 ngày rồi mới đưa ra chưng cất. Chọn men nấu rượu là công đoạn quan trọng để cho ra sản phẩm rượu ngon, không bị đau đầu. Men viên dùng để ủ rượu được làm kỳ công từ gạo tẻ xay và bột thuốc bắc với liều lượng cụ thể, tuy nhiên loại men này lại mất thời gian để tán nhỏ khi ủ cơm, nếu dùng không đúng rất dễ bị hư cơm. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại men rượu khác nhau. Men rượu vốn có 2 loại, một loại gọi là quả men có xuất xứ từ Việt Nam, an toàn với người sử dụng, một loại gọi là túi men (bằng bột) xuất xứ từ Trung Quốc, một túi có thể nấu vài chục kg gạo, dùng nấu rượu sẽ gây đau đầu cho người sử dụng. Theo khảo sát của chúng tôi, trên thị trường có không ít loại men được nhập về từ Trung Quốc, tuy nhiên giá thành loại men này rẻ, bởi lẽ bỏ men vào cơm rượu từ 1 đến 2 ngày là nấu được, không cần ủ lâu, thậm chí có loại bỏ trực tiếp vào gạo không cần nấu thành cơm.Với ưu điểm lên men nhanh nên nhiều người vẫn mua về để sản xuất rượu đại trà chứ họ ít quan tâm đến an toàn chất lượng. 
Bên cạnh đó, ở một số cơ sở nấu rượu khác thì quy trình nấu rượu hầu hết được các chủ cơ sở làm theo kinh nghiệm và tự chế ra các loại dụng cụ, thiết bị lọc, nấu rượu một cách khá sơ sài với những chiếc thùng nhựa, can nhựa, những chiếc nồi,... Các cơ sở nấu rượu tư nhân công nghệ làm rượu mà theo họ gọi đó là bí quyết gia truyền còn được hiện đại hóa bằng cách pha chế cồn công nghiệp, đường, hương liệu, màu, một số phụ gia thực phẩm để tạo ra các loại rượu khác nhau rồi tung ra thị trường.

 

Nấu rượu thủ công mất vệ sinh an toàn
Nấu rượu thủ công mất vệ sinh an toàn


Để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rượu, nhất là rượu nấu thủ công, ngày 12/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013). Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn mác, đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương.
 

Những tác hại của rượu


:+ Rượu bia gây viêm gan

Bệnh viêm gan do rượu là nguy cơ cao nhất trong những nhóm bệnh liên quan đến rượu bia và thức uống có cồn. Viêm gan là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài trong khoảng thời gian 1 – 2 tuần với các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần.

Rượu bia gây xơ gan:

Nếu tình trạng viêm gan không đường can thiệp hoặc người bệnh tiếp tục lạm dụng rượu bia thì sẽ dẫn đến xơ gan. Xơ gan là tình trạng tế bào gan bị tổn thương thường xuyên mà biểu hiện ban đầu bằng tình trạng gan nhiễm mỡ, nếu ngừng uống rượu ở giai đoạn này bệnh có thể tự khỏi.
 

rượu gây xơ gan

 

+ Gây ngộ độc thần kinh:

Trong một số trường hợp sau khi uống rượu, bia vào có cảm giác nhức đầu và dùng thuốc giảm đau với thuốc thông thường là Panadol, đây là điều hết sức nguy hiểm vì rượu có thể gây tổn thương gan dù uống ít nếu dùng chung với thuốc có chứa acetaminophen như Panadol…

+ Rượu bia gây ung thư gan:

Các chuyên gia cho biết rượu có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bệnh ung thư gan. Bia rượu liên kết với các enzyme có chức năng giải độc cho cơ thể trong đó có cytochrome P – 450. Uống quá nhiều rượu sẽ tạo ra vô số cytochrome P – 450 ở gan, phổi, ruột đây là những cơ quan dễ bị ung thư nhất trong cơ thể người.

+ Rượu gây mất trật tự xã hội

Tình trạng nghiện rượu trên diện rộng còn gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tình hình an ninh trật tự xã hội như bạo hành gia đình và gây rối trật tự xã hội. Tai nạn giao thông tăng vọt và thương tâm có liên quan rất nhiều đến rượu, nên nếu tham gia giao thông cần rất hạn chế rượu bia. Rất nhiều người say rượu đã có các hành vi nguy hiểm cho xã hội như chửi bới, đánh đập, phá hoại tài sản, gây xích mích với cộng đồng. Thậm chí đã có các vụ ẩu đả, giết người đặc biệt nguy hiểm do rượu bia gây ra. Ông bà ta đã đúc kết 4 giai đoạn của 1 người uống rượu là: con công khoe mẽ, con khỉ bắt chước, con hổ hung hăng, con lợn say nằm nôn mửa.
 
 Vì vậy, để kiểm soát được rượu phi thương mại, rượu do dân tự nấu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, mà trực tiếp là lực lượng ở địa phương như trưởng xóm, trưởng thôn, công an xã, UBND xã… Hiện nay, các loại rượu thủ công, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường chưa kiểm soát được. Người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, bị ngộ độc cần phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng. Chúng ta cần có cơ chế khuyến khích người tiêu dùng phản ánh tới cơ quan có trách nhiệm khi phát giác  các loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu độc hại, rượu giả... Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với các quy định liên quan đến rượu, bia để người dân hiểu và thực hiện. Hiện nay, rượu không được phép quảng cáo nên các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc không có cơ hội giới thiệu tới người tiêu dùng để nhận biết và lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng. Bộ Công Thương đã phối hợp với một số tổ chức, hiệp hội thực hiện các hội thảo giới thiệu cách nhận biết rượu thật, rượu giả, tuy nhiên vẫn chưa thể đến được với đông đảo người tiêu dùng”. 

Tác giả bài viết: TS Từ Ngữ

Nguồn tin: Hội dinh dưỡng Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết