Chế độ ăn cho người bệnh bạch hầu
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là do vi khuẩn (Corynebacteria diphtheria) gây ra. Đây là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong, đặc biệt ở trẻ em nếu không được điều trị.
Bệnh bạch hầu gây sưng mũi, họng nghiêm trọng. Ở một số trẻ em có thể bị sưng tấy và nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng khiến bệnh nhân khó ăn uống dẫn đến suy nhược, tắc nghẽn đường hô hấp có thể dẫn đến suy hô hấp, thậm chí nhiễm trùng lan rộng khiến bệnh nhân không thể thở được dễ dẫn đến tử vong.
Vì vậy việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân bạch hầu cần đặc biệt chú ý. Bệnh nhân nên ăn những thực phẩm mềm, được nấu nhừ để dễ dàng nhai và nuốt sữa, bột, cháo, súp... Nên chọn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đồng thời cung cấp đủ vitamin, khoáng chất cần thiết giúp tăng sức đề kháng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Trẻ bị bệnh bạch hầu thường mệt mỏi, khó nuốt, bỏ ăn. Do đó, thức ăn cần nấu kỹ, loãng hơn bình thường để trẻ dễ nuốt, thực phẩm hầm mềm giúp dễ tiêu hóa hơn. Cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh giảm nguy cơ bội nhiễm. Các bữa ăn nên chia nhỏ thành 5 - 6 bữa trong ngày với đầy đủ các nhóm chất như protein, chất béo, carbohydrate và chất xơ.
Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nên cho trẻ uống mỗi ngày từ 1,5- 2 lít nước bao gồm cả nước lọc, nước trái cây, nước ép rau quả, cháo, súp, sữa hoặc những thực phẩm chứa nhiều nước... sẽ giúp cho chuyển hóa trong cơ thể được diễn ra dễ dàng hơn. Điều quan trọng là cho uống nước ngay cả những lúc trẻ không cảm thấy khát.
Một chế độ ăn uống phù hợp đủ dinh dưỡng là rất cần thiết giúp nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân bạch hầu.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho trẻ mắc bệnh bạch hầu
Protein: Đây là chất dinh dưỡng quan trọng nhất. Protein là thành phần chính của các kháng thể, giúp cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Tăng cường bổ sung chất đạm (protein) trong các bữa ăn vì cơ thể trẻ sau ốm sẽ suy nhược đi ít nhiều. Những thực phẩm giàu protein bao gồm: thịt gà, trứng, sữa, tôm, cua, cá, thịt bò…
Carbohydrate: Carbs là một trong 3 thành phần chất dinh dưỡng có trong thức ăn của con người, cùng với protein (chất đạm), lipid (chất béo), carbs là các chất dinh dưỡng đa lượng. Đây là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể. Nên cho trẻ ăn các nguồn thực phẩm chứa carbohydrate toàn phần có nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ như các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ), trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt… giúp cải thiện sức khỏe giảm nguy cơ bệnh tật.
Vitamin và các loại khoáng chất: Thực phẩm giàu vitamin A, vitamin D, vitamin C là nhân tố quan trọng giúp tăng trưởng và đảm bảo hoạt động của các mô cơ thể. Khi trẻ bị ốm, các loại vitamin này giúp tăng sức đề kháng, là chất chống oxy hóa mạnh của cơ thể. Các thực phẩm giàu vitamin A, D và C là sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua…), cá hồi, nấm, trứng, rau có lá màu xanh thẫm như rau ngót, rau cải, các loại quả có màu vàng, đỏ (đu đủ, cà chua…); bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, các loại trái cây tươi như bưởi, chanh, cam, ổi, dâu tây, kiwi, đu đủ,…
Vitamin E cũng là chất dinh dưỡng cần thiết đối với hệ miễn dịch, nhất là với chức năng của tế bào lympho T. Dầu thực vật, hạt hướng dương, mầm lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt, lạc, rau bina, cải xoăn là các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin E.
Trẻ bị bệnh bạch hầu cũng cần bổ sung kẽm giúp kháng viêm, tăng sức đề kháng, giúp củng cố sức khỏe cho đường ruột.
3. Gợi ý những món ăn cho người mắc bệnh bạch hầu
Khi lựa chọn chế độ ăn cho bệnh bạch hầu cần chế biến thức ăn mềm và dễ tiêu hóa. Ngoài ra, tất cả bệnh nhân và đặc biệt là trẻ em cần được theo dõi bất kỳ dấu hiệu khó nuốt nào, một biến chứng có thể xuất hiện tương đối đột ngột và đôi khi gây tử vong do nghẹt thở.
Chế độ ăn cho bệnh nhân bạch hầu ở giai đoạn cấp tính
Người mắc bệnh bạch hầu thường kèm theo sốt, chế độ ăn lỏng là cần thiết và điều này có thể được tiếp tục trong một số ngày sau khi hạ sốt hoàn toàn nếu cổ họng vẫn sưng hoặc đau. Đối với bệnh nhân bạch hầu có khó khăn trong việc ăn uống trong giai đoạn cấp tính, sữa là thực phẩm tiện lợi nhất. Chia nhỏ nhiều bữa trong ngày để đảm bảo dinh dưỡng được cung cấp thường xuyên, xen kẽ giữa sữa và các món súp loãng từ thịt bò hoặc thịt gà với các loại rau củ.
Trong giai đoạn này không nên ăn nhiều làm dạ dày quá tải gây khó chịu, điều này có thể gây nguy hiểm về sau cho bệnh, tốt hơn hết nên đợi cho đến khi hết sốt và người bệnh ăn uống lại được bình thường. Nước, nước cam, nước dừa, đồ uống loãng phải được cung cấp đầy đủ, thường xuyên trong cả ngày.
Chế độ ăn uống trong thời kỳ dưỡng bệnh
Đối với bệnh bạch hầu, thuật ngữ dưỡng bệnh được hiểu là giai đoạn sau khi cổ họng không còn màng, giai đoạn mà bệnh nhân phải đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng nhất của bệnh. Đối với phần lớn bệnh nhân, thức ăn có thể tăng lên kể từ thời điểm nhiệt độ trở về mức bình thường, ngay cả khi vẫn còn một số tổn thương ở cổ họng.
Nên ăn cháo bột yến mạch, thức ăn mềm nói chung. Ăn trái cây tươi như cam và chuối với lượng vừa phải. Các món súp loãng giờ đây có thể thay thế bằng món súp đặc hơn, cháo hoặc cơm nếu muốn. Cá có thể được thêm trong các bữa ăn và được sắp xếp sao cho phù hợp với sức khỏe trong khoảng thời gian này.
4. Một số lưu ý cơ bản trong chế độ ăn uống dành cho người bệnh bạch hầu
Nấu chín thực phẩm
Bắt buộc phải nấu chín tất cả các loại thực phẩm trước khi cho người bệnh bạch hầu ăn. Các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, cá hay trứng, rau xanh đều cần được nấu chín kỹ để đảm bảo rằng các vi khuẩn gây bệnh đều đã bị tiêu diệt hoàn toàn trước khi dung nạp vào cơ thể.
Lựa chọn trái cây rõ nguồn gốc và được rửa sạch
Các loại trái cây cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe, giúp người bệnh bạch hầu tăng cường hệ thống miễn dịch, mau hồi phục. Cần lựa chọn các loại trái cây tươi sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa sạch trước khi ăn. Hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản.
Sử dụng nguồn nước uống sạch
Người bệnh bạch hầu nên sử dụng nguồn nước uống sạch sẽ, đảm bảo ăn chín, uống sôi. Nước uống cần được sạch, đun sôi, để nguội.
Một số lưu ý
Lời khuyên dành cho những người mắc bệnh bạch hầu là không nên ăn các thực phẩm lên men. Bởi vì các sản phẩm lên men như sữa chua, các loại dưa, cà muối có chứa các loại men sống, rất dễ gây hại cho sức khỏe nếu không được xử lý tốt.
Không nên ăn những thực phẩm có gia vị cay nồng dễ gây kích ứng niêm mạc miệng, họng đang bị tổn thương. Tuyệt đối tránh những thực phẩm cứng, có góc cạnh sắc gây khó nhai, nuốt.
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Do đó, cách ly và điều trị là chìa khóa để đảm bảo những người bị bệnh khỏi bệnh nhanh chóng và không lây lan bệnh cho người khác.
Tác giả bài viết: Thu Hiền
Nguồn tin: SK&ĐS
Những bài viết mới hơn
Những bài viết liên quan