Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

Dinh dưỡng cho người bị bệnh đau dạ dày

Bệnh đau dạ dày là căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới, tỷ lệ mắc người bị đau dạ dày đang ở mức báo động. Tuy không phải căn bệnh quá nguy hiểm nhưng lại mang nhiều phiền toái tới cho những bệnh nhân bởi tính chất tái phát nhiều lần khi dinh dưỡng cũng như chế độ ăn uống không đảm bảo.
dinh dưỡng cho bệnh đau dạ dày


Vấn đề dinh dưỡng cho người bị đau dạ dày

Theo ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc trung tâm dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, có thể nhịn ăn trong vòng 24 - 48 giờ đối với trường hợp viêm dạ dày cấp tính vì cần có thời gian cho dạ dày lành vết thương. Đối với những người mắc bệnh đau dạ dày cần chú ý chế độ ăn uống nhiều hơn.

 

dinh duong cho nguoi bi dau da day
Người bị đau dạ dày nên hạn chế các món rán xào

- Trọng tâm nghiên cứu vấn đề dinh dưỡng cho người bị đau dạ dày là dùng những thức ăn giảm tiết dịch vị, giảm tác dụng của axít tiết lên niêm mạc dạ dày. Chất ngọt, chất béo là những chất ít gây tiết dịch vị. Dùng những thức ăn có tính bọc niêm mạc dạ dày, thấm dịch vị như gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh quy, sữa, lòng trắng trứng. Dùng thức ăn mềm, ít có tác dụng cơ giới.

- Không để đói, không ăn quá no.

- Cần ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau từ 2 – 3 giờ. Khi chế biến thức ăn cần nghiền, xay, băm nhỏ, nấu nhừ, tăng cường luộc, hấp và hạn chế chiên, xào.
- Thực phẩm nên ăn: cháo, cơm nát, bánh mì, bánh quy, cơm nếp, bánh chưng, khoai tây, khoai sọ (luộc chín hoặc hầm nhừ dưới dạng xúp); thịt cá nghiền nát, hấp hoặc om; sữa bò hộp, sữa bò tươi, sữa bột, bơ, pho mát; đường, bánh, mứt, mật ong, kem, thạch, chè, nước lọc, nước khoáng...
- Thực phẩm nên kiêng: các loại thực phẩm có độ axít cao; các loại quả chua (như chanh, cam, bưởi), cà muối, giấm, mẻ, tương ớt...; các loại thực phẩm tạo hơi trong dạ dày (các loại đậu đỗ, các loại dưa cà muối, hành...); các loại thực phẩm làm hư hại niêm mạc dạ dày (rượu, bia, ớt, tỏi, càphê, trà...); các loại thức ăn tăng tiết axít như các loại nước xốt thịt, cá đậm đặc... 
- Trường hợp viêm dạ dày cấp tính cần có thời gian cho dạ dày lành vết thương. Vì vậy có thể nhịn ăn trong vòng 24 – 48 giờ vì thức ăn vào dạ dày sẽ làm kích thích tiết axít càng làm loét vết thương. Sau thời gian nhịn ăn nên ăn xúp nấu với rau, thịt nghiền; uống sữa hoặc ăn kem với năng lượng từ 1.200 – 1.300kcal.

Nếu là viêm dạ dày mạn tính, người bệnh thường bị thiếu dinh dưỡng do tiêu hoá hấp thu kém, không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, chất đạm, dẫn tới thiếu máu. Chế độ ăn khi đó cần cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: axít folic, vitamin A, D, K, canxi, sắt, kẽm, magiê.

Tuỳ giai đoạn đau, cách ăn riêng

Giai đoạn 1: Bắt đầu điều trị cho người loét dạ dày, chỉ nên ăn sữa, cứ 1 – 2 giờ uống sữa một lần, mỗi lần khoảng 1/3 – 1/2 ly (khoảng 100ml). Tổng năng lượng chỉ cần 1.200kcal. Sau từ 2 – 3 ngày, nếu dạ dày không thấy đau thì trộn thêm kem vào sữa để tăng năng lượng.

Giai đoạn 2: Khi dạ dày hết đau thì ăn những đồ mềm nhuyễn như cháo, xúp… mỗi lần 100ml sau đó tăng dần, nên ăn sáu bữa/ngày. Sau đó ăn các loại thức ăn khác như: cơm nếp, bánh mì, bánh quy; thịt, cá nghiền nát. Khi ăn nhai kỹ để thức ăn thấm nước bọt trước khi nuốt.

Giai đoạn 3: Vẫn tiếp tục ăn từ 5 - 6 bữa/ngày, ăn thức ăn mềm, nấu chín nhừ cho đến khi cơn đau dứt hẳn.

Áp dụng triệt để chế độ dinh dưỡng trên đây cho người bị đau dạ dày là điều cần thiết, hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều trị bệnh.

Nguồn tin: Hội Dinh dưỡng VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết