Nguyên nhân và cách khắc phục chứng biếng ăn ở trẻ
Trẻ biếng ăn thường có các biểu hiện: ăn rất ít, chỉ thích một vài loại thực phẩm nhất định, mỗi bữa ăn thường kéo dài trên 30 phút, ngậm thức ăn, quấy nhiễu trong giờ ăn hay thậm chí là kêu khóc. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Xác định đúng lý do khiến con biếng ăn rất quan trọng nhất, bởi từ đó, cha mẹ mới có thể "chế ngự" thành công.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn:
Do nhiễm trùng
Khi virus hay vi khuẩn xâm nhập cơ thể gây viêm nhiễm một cơ quan nào đó như: tai, mũi, họng, mắt, miệng, đường tiêu hóa... trẻ sẽ sốt, ho, mệt mỏi dẫn đến trẻ không muốn ăn hoặc chỉ ăn với số lượng ít.
Khi đó, cha mẹ nên đưa bé đi khám và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Trẻ cần được điều trị dứt điểm việc nhiễm trùng song song với việc tăng cường chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng thông qua khẩu phần ăn, sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất. Phục hồi thể lực và tăng cường sức đề kháng ở trẻ luôn là yếu tố hàng đầu trong bất cứ một liệu trình điều trị nào.
Do trẻ gặp khó khăn khi nhai nuốt
Viêm amidan, mọc răng, nấm lưỡi, áp xe lợi, viêm tuyến nước bọt... cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Trong khi điều trị nguyên nhân, mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nuốt, uống thêm sữa và chia thành nhiều bữa nhỏ.
Do rối loạn tiêu hóa
Loạn khuẩn đường ruột, rối loạn sự co bóp và tiết dịch dạ dày ruột... dễ khiến trẻ buồn nôn, nôn trớ, đau bụng, tiêu chảy, đầy bụng, ăn không tiêu, táo bón... Hệ tiêu hóa hoạt động không bình thường ảnh hưởng rất lớn đến việc ăn uống của trẻ. Đa số các bé sẽ ăn trở lại bình thường sau một vài ngày và không quá một tuần. Nếu các triệu chứng rối loạn tiêu hóa có xu hướng nặng lên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám.
Song song với quá trình điều trị, mẹ cần cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nhai nuốt, dễ tiêu hóa, bổ sung thêm men tiêu hóa giúp tái lập sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột.
Do chế độ dinh dưỡng thiếu vi chất
Hầu hết cha mẹ đều biết việc cần đa dạng các loại thức ăn để giúp bé cảm thấy ngon miệng và ăn uống dễ dàng hơn. Các bữa ăn cần cung cấp đủ đạm, mỡ, đường, vi chất với thành phần cần đối cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên vì nhiều lý do như: chất lượng của thực phẩm chưa đảm bảo, việc chế biến không đúng cách, trẻ chỉ chịu ăn một số loại thức ăn nhất định... Điều này dẫn đến một tỷ lệ lớn trẻ biếng ăn kèm theo thiếu hụt vi chất.
Một số vi chất cần bổ sung giúp đẩy lùi tình trạng biếng ăn ở trẻ:
- Kẽm: Kẽm là một nguyên tố cần thiết duy trì sự sống. Thiếu kẽm ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của các tế bào vị giác, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Sự thiếu hụt này còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần của trẻ. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ lớn trẻ mắc tự kỷ và những bệnh liên quan như hội chứng Asperger, cơ thể có sự thiếu hụt vi chất kẽm một cách bất thường. Ngoài ra, những trẻ thiếu kẽm còn có nguy cơ thấp còi, suy dinh dưỡng, hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy... Trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi cần khoảng 5-10 mg kẽm mỗi ngày. Các loại thực phẩm có chứa nhiều kẽm như: ngao, sò, hàu, cá biển… Trứng gà, các loại thịt đỏ và các thực phẩm họ đậu cũng rất giàu loại khoáng chất này.
- Selen: chất này có trong thành phần enzym làm phân hủy các lipoperoxyd, chống sự xuất hiện của adehyd và các gốc tự do gây tổn hại cho nhiễm sắc thể. Ngoài ra, còn nhiều enzym khác và một số co-enzym có chứa selen hoặc cần có sự có mặt của selen mới sinh tổng hợp được như galactosidase, nitrate reducase, papain, Co-enzym Q (tên khác là ubiquinon – một chất chống oxy hóa chủ yếu của cơ thể). Vai trò của Selen đối với hệ thống miễn dịch đã được chứng minh và vẫn đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trong điều trị bệnh. Trẻ em cần một lượng selen trong khẩu phần ăn tối ưu là 10 - 20 mcg mỗi ngày.
- Lysine: Lysine là một acid amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp. Bổ sung Lysine giúp trẻ ăn ngon miệng, gia tăng chuyển hóa, hấp thụ tối đa dinh dưỡng. Dưỡng chất này còn giúp phát triển chiều cao, ngăn ngừa bệnh còi xương, loãng xương nhờ tác dụng tăng cường hấp thụ canxi, ngăn cản sự bài tiết chất khoáng này ra ngoài cơ thể.
Lysine có nhiều trong trứng, thịt, cá, sữa đậu nành… nhưng dễ bị phá hủy khi chế biến, nấu thức ăn. Vì vậy, mẹ cần chú ý cách chế biến thực phẩm để giữ lại nhiều lysine nhất có thể.
- Các vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B12): Tất cả các vitamin nhóm B gồm B1, B2, B3, B12... sẽ kết hợp với nhau để giúp cho cơ thể bé khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, phát triển hệ thần kinh, duy trì quá trình trao đổi chất. Các vitamin B thường có nhiều trong bánh mì, khoai tây, chuối, đậu lăng, tiêu, cá ngừ, các loại đậu, các loại hạt, các loại trứng, ngũ cốc và bột yến mạch, ức gà, nước ép cà chua...
Biếng ăn ở trẻ đòi hòi sự hiểu biết cũng như kiên trì trong việc chăm sóc. Việc gây sức ép để trẻ ăn là không nên bởi nó có thể gây tâm lý không tốt ở trẻ nhỏ, trong một số trường hợp, cách làm đó còn có thể gây biếng ăn tâm lý, làm trầm trọng thêm chứng biếng ăn ở trẻ.
Nguồn tin: vnexpress.net:
Những bài viết mới hơn