Bà bầu ăn gì để 'mẹ tròn con vuông'
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, mang thai là khoảng thời gian hạnh phúc nhưng cũng nhiều thử thách đối với phụ nữ. Điều quan trọng các bà bầu cần chú ý đầu tiên là có một chế độ ăn uống lành mạnh, không chỉ ăn cho bản thân mà còn cho cả đứa con thân yêu đang dần thành hình trong bụng.
Các nghiên cứu khẳng định thai phụ hấp thu dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý không chỉ giúp thai nhi phát triển tối ưu mà còn đảm bảo cho mẹ có đủ sức khỏe vượt cạn, mau chóng phục hồi sau sinh và có đủ sữa cho con bú. Thậm chí, chế độ dinh dưỡng của mẹ khi mang thai còn ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa con khi trưởng thành.
Tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng ở bà mẹ mang thai khiến trẻ chậm tăng trưởng trong tử cung, suy dinh dưỡng bào thai (trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2,5 kg), tăng tỷ lệ tử vong. Nhóm trẻ này lớn lên dễ bị béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường type 2. Đó là hệ lụy của những "dấu ấn dinh dưỡng" được lập trình từ trong bào thai. Trái lại, tình trạng thừa cân nặng, tăng cân quá mức của người mẹ cũng gây hậu quả nặng nề không kém, gây bệnh cao huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả 2 mẹ con trước và sau khi sinh.
Tại Việt Nam, các kết quả điều tra gần đây cho thấy tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở bà bầu và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khá cao. Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2010 ghi nhận cả nước có 19,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ bị suy dinh dưỡng. Năm 2015, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8%, thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai đặc biệt cao, chiếm đến 80,3%.
Theo điều tra tại TP HCM, tỷ lệ thiếu iốt ở phụ nữ mang thai là 72,8%, thiếu kẽm 34,6% và thiếu máu do thiếu sắt chiếm gần 60% trường hợp thiếu máu trong thai kỳ. Tình trạng thừa cân béo phì và các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường ở phụ nữ mang thai cũng tăng cao ở khu vực đô thị. Năm 2014, phụ nữ tuổi sinh đẻ bị thừa cân béo phì chiếm 38,5%. Riêng thống kê tại Bệnh viện Hùng Vương TP HCM có 13,2% phụ nữ mang thai khám thai tại đây bị đái tháo đường trong thai kỳ.
Bác sĩ cảnh báo thiếu và thừa dinh dưỡng khi mang thai đều không tốt, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển hiện tại của thai nhi và khả năng vượt cạn của 2 mẹ con. Do vậy đòi hỏi người mẹ phải kiểm soát tốt chế độ dinh dưỡng để tăng cân một cách hợp lý trong thai kỳ. Tốc độ tăng cân tùy thuộc vào từng giai đoạn. Theo khuyến cáo dành cho người châu Á, phụ nữ có chỉ số BMI bình thường cần tăng từ một đến 2 kg trong 3 tháng đầu, từ 4 đến 5 kg trong 3 tháng giữa, từ 5 đến 6 kg trong 3 tháng cuối. Bà bầu có thể trạng gầy cần tăng cân nhiều hơn, béo thì tăng ít hơn.
Nguồn tin: vnexpress
Những bài viết mới hơn
Những bài viết liên quan