Nơi học sinh lót dạ bằng ổi để đến lớp
- Thứ sáu - 29/09/2017 08:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đổi thay ở Huồi Máy
Đường vào Huồi Máy – điểm trường xa nhất của Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 (xã Cắm Muộn, Quế Phong, Nghệ An) vẫn là con đường đi bộ độc đạo, nhão nhoét khi mưa xuống. Thực ra Huồi Máy chỉ là cụm dân cư ở tít thượng nguồn con suối Na Quẹ - thường ngày vẫn đỏ quạch và nham nhở bởi nạn đào đãi vàng, thuộc bản Cắm Cọc. Đây là nơi sinh sống của hơn 40 hộ dân người Khơ - mú, ngoài 1 điểm trường học, Huồi Máy không điện lưới, không sóng điện thoại và ti tỉ cái không khác nữa.
Huồi Máy là cái địa danh mà chỉ nhắc tới thôi, người ta đã mường tượng ra con đường gian khổ, là cái thiếu thốn, đói rét triền miên. Đến nỗi, một số đơn vị, tổ chức có tặng quà cho học sinh ở Huồi Máy cũng ít khi vào được đến nơi. Quà cứ tập kết ở điểm trường chính, nhà trường thay mặt các tổ chức thiện nguyện đưa vào bản hoặc vận động phụ huynh ra trung tâm xã “tải vào”.
Cuối năm 2015, tôi đã có chuyến đi “nhớ đời” vào Huồi Máy. Cổ họng đắng ngắt, không phải vì dùng miệng thở cho hành trình gần 4 tiếng đồng hồ trèo dốc, lội suối. Đắng vì một lẽ, nơi cái thung lũng con con ấy, một cái lán con con, hư dột gần hết là nơi thầy trò vật lộn với từng con chữ. Là nơi cái chái nghiêng nghiêng như sắp đổ ập xuống là chỗ trú ngụ của 3 thầy giáo cắm bản ở đây.
“Sau nhiều năm thầy trò dạy và học trong lán tạm, mưa dột, sương sà vào tận bàn, năm 2016, UBND huyện đã đầu tư 3 phòng ghép bằng tôn cùng bàn ghế mới, trị giá 400 triệu đồng. Trong đó có 2 phòng học cho các em và 1 phòng kí túc cho các thầy giáo. Công trình mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào cuối học kỳ 2 năm học 2016-2017 vừa qua”, thầy giáo Nguyễn Thế Cầm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 vui mừng thông báo với tôi.
Những ngày cuối tháng 8 vừa rồi, hầu hết cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 đã “hành quân” vào Huồi Máy để lao động, làm lại sân bãi, tu sửa dãy bờ rào bao quanh trường. Chuyến đi không chỉ động viên thầy trò ở Huồi Máy trước thềm năm học mới mà để các thầy cô giáo thêm hiểu, chia sẻ với những khó khăn của các đồng nghiệp gieo chữ ở nơi thâm sơn cùng cốc này.
Đường vào điểm trường như bớt xa ngái, mệt nhọc hơn khi trên vai các thầy cô mà những món quà cho 13 học sinh của điểm trường này. Đó là những tấm lòng của các anh chị cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu gửi tặng.
“Các em học sinh ở đây còn khó khăn lắm, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, sách vở, đồ dùng học tập còn thiếu nhiều. Nhà trường cũng đã rất cố gắng nhưng không đủ. Vừa rồi, tôi có đăng tải thông tin trên facebook cá nhân, kêu gọi sự chia sẻ của cộng đồng với các em. Với sự giúp đỡ, ủng hộ của cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, nhà trường đã mua đủ cặp sách, sách vở, bút giấy, dép… cho 13 học sinh ở Huồi Máy. Có cặp sách, bút vở mới các em đến trường sẽ chuyên cần hơn.
Nhưng Huồi Máy cần nhiều hơn thế bởi chỉ nhà trường và các nhóm thiện nguyện thì không lo xuể…”, niềm vui đầu năm học mới của thầy hiệu trưởng dường như còn chất chứa lắm nỗi lo toan về cuộc sống, về sự học của người dân và học trò nơi đây.
Tâm tư người thầy cắm bản xa
Năm nay, thầy giáo Lô Văn Lan – người có thâm niên cắm bản Huồi Máy lâu nhất do tuổi cao nên được rút về điểm trường chính. Thầy giáo Lô Văn Tường vào thay, cùng thầy giáo Lô Văn Thanh tiếp tục sự nghiệp gieo chữ cho học trò Khơ - mú ở Huồi Máy.
13 học sinh được chia làm 2 lớp ghép, lớp 1-2-3 học một phòng, lớp 4-5 học chung 1 phòng. “Học trò Huồi Máy thương lắm, vì ở xa trung tâm xã quá, lại là vùng đặc biệt khó khăn nên hầu như chưa bao giờ được tham dự một buổi lễ khai giảng hay tổng kết đúng nghĩa. Năm nay cũng vậy, ngày khai giảng, chúng tôi ra điểm trường chính dự lễ khai giảng.
Xong lễ thì vào Huồi Máy, cùng bà con dân bản tổ chức bữa cơm đạm bạc, tập trung các em học sinh đến điểm trường để phổ biến lại nhiệm vụ năm học mới, nội quy trường, lớp. Ngày 6/9 bắt tay vào dạy và học luôn. Năm nay chúng tôi được chuyển vào phòng kiên cố, không lo sách vở, giáo cụ ướt sũng vì mưa, vì sương nữa”, thầy Lô Văn Thanh cho hay.
Năm học mới đã bắt đầu. Giữa rừng vắng, tiếng ê a học bài của lũ trẻ vang lên đều đều mỗi buổi sớm mai. Xung quanh trường, những cây ổi vẫn nhẵn bóng thân cây bởi lũ trẻ leo trèo hàng ngày. Đó là thứ thức ăn cứu đói của các em bởi bố mẹ làm rẫy tít trong rừng, thảng hoặc mới đảo về nhà.
“Năm nay sách vở, bút cặp đầy đủ rồi, học trò cũng được học trong phòng học kiên cố, vững chãi, các thầy cũng yên tâm phần nào. Ước gì lũ trẻ không phải ăn ổi trừ bữa mà đến trường với cái bụng no cơm, để con chữ không phải rơi rụng cùng bữa no, bữa đói”, ngày khai giảng năm học mới, thầy giáo cắm bản Lô Văn Thanh vẫn canh cánh nỗi lo.
“Bản Cắm Cọc không thuộc khu vực được hưởng phụ cấp đặc biệt nên các thầy giáo cắm bản ở Huồi Máy ngoài lương và phụ cấp đứng lớp thì không được hưởng chế độ ưu đãi nào khác. Nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ có lẽ khó ai trụ lại được nơi đây. Công đoàn nhà trường trích một khoản nhỏ gọi là động viên các thầy thôi”, thầy Nguyễn Thế Cầm cho hay.