Nguy cơ mắc bệnh khi dậy thì sớm
- Thứ tư - 19/07/2017 15:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm
Dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ em và người lớn. Trong giai đoạn này cơ thể của các em sẽ phát triển các đặc điểm sinh dục thứ cấp và hoàn chỉnh cơ quan sinh dục để có thể thực hiện chức năng sinh sản.
Đồng thời, đây còn là giai đoạn có sự tăng tiết các nội tiết tố sinh dục như estrogen ở nữ, testosteron ở nam và sự phát triển nhảy vọt về chiều cao. Độ tuổi dậy thì ở các bé gái thường là từ 10 – 15 tuổi, ở bé trai là từ 12-17 tuổi.
Dậy thì sớm là khi trẻ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu thể chất của tuổi dậy thì trước 7 hoặc 9 tuổi (đối với con gái) hoặc trước 9 tuổi (đối với con trai).
Tình trạng dậy thì sớm thường gặp ở các bé gái nhiều hơn các bé trai và có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
Trước hết, đó là do chế độ ăn dư thừa chất dinh dưỡng, khiến tình trạng béo phì ngày càng gia tăng ở trẻ em. Mỡ tích tụ trong cơ thể sẽ gây nên sự rối loạn chuyển hóa nội tiết tố dẫn đến dậy thì sớm.
Tỷ lệ những trẻ béo phì dậy thì sớm hơn hẳn những trẻ bình thường.
Một số hóa chất công nghiệp chứa độc tố như Bisphenol A (có trong các loại chai nhựa cứng và hộp đựng thực phẩm), phthalates (có trong các sản phẩm nhựa, sơn, mỹ phẩm)… là một nguyên nhân quan trọng khác thúc đẩy sự dậy thì sớm ở trẻ.
Bên cạnh đó, các nhân tố về môi trường, xã hội như sách, ảnh, phim, truyện về giới tính khi trẻ được tiếp xúc quá sớm cũng chính là một yếu tố dẫn đến sự phát triển dậy thì sớm.
Cuối cùng, nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm còn có thể là do di truyền, bất thường hoặc bị tổn thương não (ở vùng dưới đồi, tuyến yên), tuyến sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn), hoặc do sử dụng thuốc (có chất nội tiết).
Nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm
Ngoài việc ảnh hưởng đến tâm lý và bị chậm phát triển chiều cao, hệ lụy dễ nhận thấy nhất là tuy dậy thì sớm về sinh lý nhưng tâm lý lại chưa phát triển kịp nên những các em rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng quấy tình dục.
Ngoài ra, dậy thì sớm còn khiến các bé phải đối diện với nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nan y nguy hiểm.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học được thực hiện tại Đại học Cambridge (Anh) đã phát hiện ra rằng, với những bé gái dậy thì sớm, sức khỏe sau này sẽ bị những ảnh hưởng nhất định.
Cụ thể là các em sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng… cao hơn so với trẻ dậy thì đúng lứa tuổi.
Một nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu ung thư tại Anh cũng đưa ra kết luận tương tự rằng: việc phát triển ngực ở trẻ em từ 10 tuổi hoặc trẻ hơn làm tăng nguy cơ ung thư vú đến 20%.
Ngoài ra, theo các bác sĩ chuyên khoa, dậy thì sớm ở bé trai còn là căn nguyên gây nên bệnh vô sinh.
Trong trường hợp dậy thì sớm có nguyên do xuất phát từ bệnh lý như tổn thương não, não, teo não, não úng thủy, u não, động kinh, u tuyến thượng thận, u nang buồng trứng… thì lập tức phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, nếu không sẽ dẫn tới tử vong.
Các bậc cha mẹ khi thấy con có các dấu hiệu dậy thì sớm như: Ngực phát triển, mọc lông ở những vùng đặc trưng, có kinh nguyệt... thì nên đưa con khám ngay nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời những bệnh lý có thể gây dậy thì sớm.
Hạn chế tình trạng dậy thì sớm
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, thịt rau kết hợp
- Hạn chế đồ ăn nhanh
- Hạn chế cho trẻ uống thuốc bổ. Nên dùng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ
- Tránh để bé tiếp xúc với các sản phẩm có chứa nội tiết tố hoặc đồ trang điểm của người lớn
- Không nên cho bé ăn các loại rau quả trái mùa và thực phẩm có chất phụ gia
- Không để cho bé nhìn thấy hình ảnh người lớn đang thân mật hoặc các sách báo, phim ảnh có liên quan đến giới tính.