Hội Dinh Dưỡng Việt Nam | Tư vấn dinh dưỡng

https://hoidinhduong.vn


Sữa mẹ tăng kháng thể khi con ốm

Tế bào miễn dịch trong sữa mẹ nhanh chóng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm mà mẹ hoặc bé mắc phải. Như vậy, sữa mẹ nắm giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cả mẹ và bé.
bu me

Trẻ đã được nuôi dưỡng và bảo vệ rất tốt khi còn ở trong bụng mẹ. Nhưng chuyện gì xảy ra sau khi trẻ chào đời và bất ngờ phải đối mặt với một môi trường chứa đựng rất nhiều mới lạ, nhất là những loài vi khuẩn luôn trực chờ tấn công?

Một lần nữa, người mẹ lại “vào cuộc” bằng cách trao cho trẻ dòng sữa mẹ vô cùng quý giá. Thứ chất lỏng diệu kỳ này không chỉ chứa những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển tối ưu của trẻ mà còn kích hoạt các tế bào miễn dịch.

Hai nghiên cứu mang tính đột phá được đăng tải trên trang Milk Genomics cho thấy, những tế bào miễn dịch này đã di trú một cách có chọn lọc vào sữa non và sữa mẹ.

Trong sữa mẹ có những tế bào gì?

Đã từ lâu, chúng ta biết được rằng, sữa mẹ có chứa các tế bào của người mẹ. Nhưng điều ít được biết đến hơn là tỷ lệ các dạng tế bào khác nhau trong sữa mẹ; vai trò quan trọng của chúng đối với cả người mẹ và trẻ sơ sinh cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến chúng.

Về cơ bản, sữa mẹ được cho là nơi chứa các tế bào biểu mô và tế bào miễn dịch. Một số nghiên cứu mang tính đột phá gần đây chỉ ra rằng, cấu tạo tế bào của sữa mẹ mang tính phức hợp hơn so với suy nghĩ trước đây và rằng, giữa các dạng tế bào khác nhau, có cả tế bào gốc.

Tuy nhiên, tế bào gốc không chiếm phần nhiều trong các tế bào sữa mẹ. Những báo cáo trước đây gợi ý rằng, loại tế bào nổi trội trong sữa mẹ là tế bào miễn dịch (leukocyte - bạch cầu). Xem xét kỹ hơn những nghiên cứu này giúp ta nhận thấy, các nhà khoa học chủ yếu kiểm tra sữa non và sữa mẹ trong giai đoạn đầu cho con bú. Hơn thế, tình trạng sức khoẻ của người mẹ và trẻ sơ sinh lại không được xem xét trong tất cả các nghiên cứu trên. Do đó, có một câu hỏi vẫn còn chưa được giải đáp: Liệu tế bào miễn dịch có phải là dạng tế bào nổi trội trong sữa người trưởng thành và vai trò của nó là gì?

Trong nỗ lực làm sáng tỏ vấn đề này, nhóm khoa học gia tiến hành 2 nghiên cứu trên đã thực hiện cuộc điều tra với những bà mẹ đang cho con bú và con của họ vào thời điểm cả mẹ lẫn con đều khoẻ mạnh và khi bị mắc bệnh lây nhiễm. Do từ năm 1953, người ta đã cho rằng, quần thể tế bào miễn dịch trong sữa mẹ thường chia sẻ các đặc điểm hình thái học giống quần thể tế bào biểu mô, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật phân tích tế bào theo dòng chảy (flow cytometry) để kiểm tra biểu hiện của chỉ dấu tế bào miễn dịch CD45. Kỹ thuật này đảm bảo rằng chỉ có tế bào miễn dịch và tất cả tế bào miễn dịch sẽ được xác định và đếm số lượng.

Kết quả thật đáng kinh ngạc và chắc chắn các nhà khoa học không hề nghĩ đến trước đây. Sữa non của người chứa số lượng lớn tế bào miễn dịch (chiếm tới 70% tổng tế bào sữa), phù hợp với nhu cầu miễn dịch lớn ở trẻ trong giai đoạn đầu sau sinh. Tuy nhiên, trong vòng 2 tuần đầu sau sinh, số lượng tế bào miễn dịch trong sữa mẹ giảm tới mức sàn là 0-2% tổng số tế bào và được duy trì trong suốt giai đoạn cho con bú khi cả mẹ lẫn bé đều khoẻ mạnh.

khi con om va ca khi me om sua me tang khang the va te bao mien dich
Thông thường trẻ bú mẹ khoảng 470-1.350ml sữa/ngày, trẻ đồng thời hấp thụ hàng ngàn tới hàng triệu tế bào miễn dịch từ mẹ mỗi ngày. (Ảnh: Jen Pan)
 

Về lượng tế bào trong sữa mẹ, nằm trong khoảng 10.000-13.000.000 tế bào/ml2, 0,1% tế bào miễn dịch đáp ứng với 10-13.000 tế bào miễn dịch/ml sữa và 2% tế bào miễn dịch đáp ứng với 200-260.000 tế bào miễn dịch/ml sữa. Dựa trên thực tế là thông thường trẻ bú mẹ khoảng 470-1.350ml sữa/ngày, trẻ đồng thời hấp thụ hàng ngàn tới hàng triệu tế bào miễn dịch từ mẹ mỗi ngày. Do đó, mặc dù số lượng tế bào miễn dịch so với các tế bào khác trong sữa người trưởng thành là thấp trong điều kiện sức khoẻ tốt, tổng lượng tế bào miễn dịch mà trẻ bú mẹ hấp thụ được lại là rất đáng kể.

Hơn nữa, mức sàn tế bào miễn dịch trong sữa người cao hơn ở những cặp mẹ-con thực hiện cho con bú và bú mẹ hoàn toàn - vốn có thể liên quan tới việc giảm khả năng bị bệnh lây nhiễm đã được xác nhận trong nhóm này. Điều đó càng chứng tỏ tầm quan trọng của việc nuôi con sữa mẹ hoàn toàn trong vấn đề bảo vệ trẻ sơ sinh.

Quần thể tế bào thay đổi khi mẹ hoặc bé bị ốm

Trong suốt giai đoạn bị bệnh lây nhiễm ở người mẹ hoặc trẻ sơ sinh, lượng tế bào miễn dịch tăng đáng kể trong sữa mẹ nhưng trở về mức sàn ngay sau khi mẹ/bé hồi phục. Những bệnh truyền nhiễm được xem xét ở đây bao gồm dạng liên quan tới bầu vú mẹ như viêm vú – đã kích thích phản ứng tế bào miễn dịch ở mức cực đại trong sữa mẹ (chiếm tới hơn 95% tổng số tế bào!) và những bệnh truyền nhiễm khác của mẹ hoặc bé như cảm thông thường, nhiễm trùng dạ dày-ruột, nhiễm trùng nước tiểu, mắt hoặc tai.

khi con om va ca khi me om sua me tang khang the va te bao mien dich
Tế bào miễn dịch trong sữa mẹ nhanh chóng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm mà mẹ hoặc bé mắc phải
 

Điều đáng chú ý là đáp ứng tế bào miễn dịch trong sữa mẹ được kích hoạt bởi một bệnh truyền nhiễm ở trẻ sơ sinh trong khi người mẹ không hề có triệu chứng bệnh. Và nếu so với các bệnh truyền nhiễm ở vú mẹ thì đáp ứng miễn dịch này khá nhỏ nhưng lại cực kỳ tương thích với trẻ. Kết quả tương tự cũng được xác nhận bởi một nghiên cứu khác. Theo đó, sốt ở trẻ sơ sinh kích thích đáp ứng tế bào miễn dịch trong sữa mẹ và tế bào miễn dịch cũng trở về mức sàn sau khi trẻ hồi phục.

Như vậy, có thể rút ra một kết luận cực kỳ thú vị qua cả hai nghiên cứu trên là: tế bào miễn dịch trong sữa mẹ nhanh chóng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm mà mẹ hoặc bé mắc phải. Như vậy, sữa mẹ nắm giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cả mẹ và bé.

Và cơ chế miễn dịch là…?

Những nghiên cứu trên tiếp tục chứng minh mối quan hệ miễn dịch giữa người mẹ và trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn cũng như củng cố quan điểm “sữa người là dành cho em bé người”. Chúng cũng đặt ra câu hỏi quan trọng về việc bệnh truyền nhiễm mà trẻ mắc phải đã kích thích phản ứng miễn dịch trong bầu ngực tiết sữa như thế nào và liệu việc này có cung cấp sự bảo vệ cục bộ cho bầu ngực không.

Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng, các mầm bệnh trong đường miệng trẻ sơ sinh có thể di chuyển vào bầu ngực qua dòng chảy ngược của tuyến sữa trong nửa sau của quá trình tiết sữa, từ đó kích thích phản ứng cục bộ bên trong vú.

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận giả thuyết này, đáp ứng tế bào miễn dịch trong sữa mẹ đối với bệnh truyền nhiễm ở trẻ sơ sinh đánh dấu một thành tố ít được đánh giá đúng mực trong bản chất bảo vệ của sữa mẹ.

khi con om va ca khi me om sua me tang khang the va te bao mien dich
Nghiên cứu củng cố mạnh mẽ các quan điểm trước đây về chức năng của tế bào miễn dịch trong sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. (Ảnh: Jen Pan)
 

Nó cũng củng cố mạnh mẽ các quan điểm trước đây về chức năng của tế bào miễn dịch trong sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: tạo nên sự miễn dịch chủ động tại thời điểm cần thiết nhất và thúc đẩy sự phát triển của năng lực miễn dịch. Tế bào miễn dịch sữa mẹ tận dụng những chức năng này không chỉ trong ống tiêu hoá của trẻ mà còn ở những vị trí xa hơn, nơi chúng được vận chuyển thông qua tuần hoàn hệ thống.

Một nghiên cứu mới đây đã xác nhận những kết nối này khi chỉ ra sự phân bổ tế bào bạch huyết khác biệt giữa sữa non và máu ngoại biên của mẹ (máu ngoại biên là máu ở xa tim), với tế bào bạch huyết B, tế bào T CD4+, tế bào hiệu lực (kháng thể đặc hiệu của đáp ứng miễn dịch tế bào) và tế bào ghi nhớ hiển diện với hàm lượng cao hơn trong sữa non so với trong máu của người mẹ. Điều này gợi ý rằng, đã có một sự di chuyển chọn lọc của tập hợp con những tế bào miễn dịch từ máu ngoại biên tới sữa non, nhằm hỗ trợ về mặt chức năng của những tế bào này ngay từ sớm trong việc bảo vệ trẻ sơ sinh và hàm chứa trạng thái khác biệt trong môi trường của người mẹ ở giai đoạn sau sinh.

Cơ hội chẩn đoán

Liệu đáp ứng tế bào miễn dịch trong sữa mẹ đối với bệnh truyền nhiễm mà mẹ và bé mắc phải là cơ chế bảo vệ không chỉ em bé mà cả bầu vú tiết sữa? Liệu có thể dùng nó như một công cụ chẩn đoán khi đánh giá tình trạng sức khoẻ của bầu vú tiết sữa? Thật bất ngờ, bầu vú tiết sữa là cơ quan nổi trội duy nhất về mặt trao đổi chất trong cơ thể người mà không một xét nghiệm y khoa nào có thể xác định được, với nó, như thế nào là bình thường.

khi con om va ca khi me om sua me tang khang the va te bao mien dich
Khi chúng ta hiểu nhiều hơn về tế bào miễn dịch trong sữa mẹ và các yếu tố ảnh hưởng đến chúng, chúng ta sẽ càng thêm trân trọng món quà giá trị tuyệt vời - Sữa Mẹ. (Ảnh: BeautifulBreastfeeding)
 

Đếm số tế bào cơ thể là một tham số được sử dụng thường xuyên trong ngành công nghiệp sữa nhằm đánh giá chất lượng sữa bò và sự hiện diện của bệnh truyền nhiễm bên trong cơ thể con mẹ. Rõ ràng, khác biệt nằm ở quần thể tế bào giữa sữa bò và sữa người, trong đó, sữa bò chứa lượng lớn tế bào miễn dịch trong suốt quá trình bê con bú mẹ.

Bất chấp những khác biệt này, bệnh truyền nhiễm bên trong cơ thể mẹ, như viêm vú, đã khiến tế bào miễn dịch và tổng tế bào cơ thể tăng đáng kể, với cả trường hợp sữa người và sữa bò. Như vậy, có thể thấy, những tham số này có thể là công cụ giá trị trong việc chẩn đoán sớm các bệnh về vú ở phụ nữ và gợi ý biện pháp điều trị hữu hiệu. Tầm quan trọng của việc này không hề bị thổi phồng lên bởi viêm vú là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ăn dặm sớm và ngừng cho bú. Chẩn đoán sớm sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc điều trị thành công, nhờ đó, cho phép thời gian cho bú kéo dài hơn và đảm bảo khởi đầu khoẻ mạnh nhất cho trẻ sơ sinh cũng như những lợi ích đa chiều cho người mẹ.

Tin rằng, khi chúng ta hiểu nhiều hơn về tế bào miễn dịch trong sữa mẹ và các yếu tố ảnh hưởng đến chúng, chúng ta sẽ càng thêm trân trọng món quà giá trị tuyệt vời - Sữa Mẹ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thu Vân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây