Chăm sóc trẻ thừa cân béo phì trong dịp Tết
- Thứ hai - 26/02/2018 09:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong các nguyên nhân gây béo phì (BP) ở trẻ em, người ta chỉ thấy một số nhỏ là do rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, thông qua vai trò của hệ thống thần kinh nội tiết (tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục) hoặc do các bệnh về não (u não, chấn thương), còn phần lớn là do tăng năng lượng của khẩu phần ăn (ăn quá nhiều) và giảm các hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng hoặc kết hợp cả hai. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hơn 80% BP có liên quan đến chế độ ăn uống.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến BP đơn thuần là: ăn quá nhiều năng lượng và giảm hoạt động tiêu hao năng lượng.
Nguyên tắc chính điều trị BP ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý (hạn chế một số loại thức ăn nhiều năng lượng, thay đổi một số thói quen ăn uống của trẻ) kết hợp với tăng hoạt động thể lực.
Trong dịp lễ, Tết, việc hạn chế ăn uống của trẻ lại càng khó khăn vì ngày Tết thường gồm nhiều món ăn giàu năng lượng như: bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, các loại giò chả, bánh chưng, thịt đông… và trong ngày Tết trẻ thường được “thả lỏng” hơn. Nhiều khi trẻ lại thường được đến ăn uống ở nhà bà con, họ hàng, cho nên rất nhiều trẻ thừa cân (TC) – BP bị tăng vài kí-lô-gam trong dịp Tết là chuyện bình thường.
Vì vậy, đối với trẻ đã bị TC- BP trong dịp đặc biệt này, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý một số điều sau đây:
-Vẫn nên tuân thủ chế độ ăn kiêng, dù là ngày Tết.
- Hạn chế trẻ ăn bánh, mứt, kẹo và nước ngọt, nhất là đến chơi thăm họ hàng, nên thay bằng quả chín ít ngọt như: bưởi, cam, quýt, dưa hấu… dù là ngày Tết cũng nên hạn chế mua bánh, mứt, kẹo về nhà.
- Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng trong ngày Tết như: giò thủ, giò mỡ, thịt đông mà nên thay bằng giò lụa, hoặc chả quế.
- Nên tăng cường các món ăn từ cá: cá hấp, cá om canh dưa.
- Thay tôm rán bọc bột bằng tôm luộc hoặc hấp.
- Hạn chế ăn bánh chưng, nhất là bánh chưng rán, nếu ăn thì nên ăn bánh chưng luộc hoặc hấp lại cho nóng. Khi ăn bánh chưng thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại thức ăn tinh bột khác.
- Không nên ăn cơm rang, hạn chế ăn nem rán mà thay bằng nem cuốn hoặc phở cuốn không dùng đến dầu mỡ.
- Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh dưới dạng luộc như: su hào, bắp cải, bí xanh, susu… trong ngày Tết.
- Thay nước ngọt bằng sữa tươi không đường hoặc sữa bột tách béo.
- Không cho trẻ ăn vặt mà vẫn phải ăn theo bữa, dù là ngày Tết.
- Trong ngày Tết, nên chế biến các món ít béo cho trẻ ăn như: bún riêu cua, bún canh măng, miến nấu thịt nạc, bún nấu cá rau cần… hoặc ăn lẩu trong các bữa ăn sum họp gia cùng gia đình, bạn bè.