Người bệnh Alzheimer cần có chế độ dinh dưỡng và chăm sóc như thế nào?
- Thứ bảy - 16/12/2017 08:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1203 Alzheimer troxivein
Ở Việt Nam, những người từ 70 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao và thường tăng dần theo độ tuổi. Theo thống kê của Đại học Y Dược TP. HCM (năm 2013), có 10,7% những người từ 70 - 79 tuổi bị Alzheimer, và từ 80 – 89 tuổi là 21,1%, con số này tiếp tục tăng lên 33,3% ở những người trên 90 tuổi.
Khi bệnh Alzheimer tiến triển, người bệnh sẽ mất khả năng thực hiện những công việc thường ngày họ vẫn làm như vệ sinh cá nhân, tắm rửa, mặc đồ; bị mất định hướng thời gian và không gian, rối loạn hành vi… Ở mức độ nặng nhất, bệnh nhân Alzheimer sẽ mất trí hoàn toàn và phải phụ thuộc vào sự chăm sóc, quản lí của người thân.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Alzheimer
Dù nền y khoa thế giới đã phát triển vượt bậc, thế nhưng đến hiện tại, các nhà y học vẫn chưa tìm được một loại thuốc đặc trị dành cho người bệnh Alzheimer. Do đó, các chuyên gia thần kinh học khuyên tất cả các bệnh nhân Alzheimer cần cải thiện triệu chứng của bệnh bằng chế độ ăn uống.
Một nghiên cứu tại Mỹ mới đây cho thấy những người ăn nhiều rau xanh và hoa quả, ngũ cốc, rượu vang sẽ có quá trình lão hóa ở não bộ diễn ra chậm hơn so với những người khác. Cụ thể, những người ăn nhiều rau xanh trong 5 năm liên tục có thể giúp não trẻ ra 5 - 7 tuổi. Nếu uống nước ép trái cây khoảng 3 lần mỗi tuần, bạn cũng có thể giảm được 76% nguy cơ phát triển nặng hơn các triệu chứng của bệnh.
Bệnh nhân Alzheimer cũng nên sử dụng thường xuyên đậu nành hoặc sữa đậu nành để cải thiện trí nhớ hiệu quả. Một nghiên cứu trên tạp chí Neuroscience chỉ ra rằng chế độ ăn giàu axit béo omega-3, đặc biệt là DHA, có nhiều trong dầu gan cá, cá hồi, hạt óc chó, rau sam… có thể giảm đáng kể tiến trình hình thành và diễn tiến của bệnh Alzheimer.
Thực phẩm giàu axit báo omega-3 cũng rất tốt với những người bị Alzheimer. (Ảnh: Herkkusuu.fi) |
Một lưu ý trong quá trình chế biến thức ăn cho những người bị bệnh Alzheimer là không nên nấu và đựng thức ăn trong nồi, dụng cụ chất liệu nhôm, vì chúng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh.
Cách chăm sóc bệnh nhân Alzheimer
Rèn luyện trí nhớ: Với những người bị bệnh Alzheimer ở giai đoạn đầu, nghĩa là họ vẫn còn nhận thức và thỉnh thoảng mới quên, đãng trí thì người thân nên viết ra một danh sách những công việc họ phải làm mỗi ngày. Ví dụ như buổi sáng ngủ dậy phải đánh răng, thay quần áo, dọn giường ngủ, uống nước vào giờ nào… Đặc biệt là việc ghi nhớ số điện thoại của 2 – 3 người thân nhất. Việc làm này ít nhiều sẽ giúp bệnh nhân duy trì được trí nhớ lâu hơn, những thói quen thường xuyên mỗi ngày sẽ ăn sâu vào tiềm thức của họ.
Cần phải tăng cường giao tiếp và rèn luyện trí nhớ với người lớn tuổi để tránh được bệnh Alzheimer. (MIR Senior Care Management) |
Môi trường sống an toàn: Cần tạo cho bệnh nhân Alzheimer một môi trường sống thoải mái, chan hòa. Trong phòng không nên bố trí quá nhiều độ vật, nên để thông thoáng, tránh trưng bày những đồ dễ vỡ, ổ điện, vũ khí, vật sắc nhọn… để giảm thiểu sự cố không mong muốn. Hạn chế tối đa những tiếng ồn để bệnh nhân không bị kích động về tâm lí.
Luôn theo sát: Do phần lớn bệnh nhân Alzheimer đều hay quên và mất trí, vì thế người thân cần quan sát và quản lí chặt chẽ, tránh để họ đi lang thang một mình. Với những trường hợp đặc biệt, nên ghi bảng tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ vào mảnh giấy và để trong túi quần, áo hoặc đeo trực tiếp lên cổ, tay của bệnh nhân. Như vậy thì khi đi lạc, những người xung quanh có thể trợ giúp và đưa bệnh nhân Alzheimer trở về nhà an toàn được.
Những quan tâm, chăm sóc chu đáo từ người thân sẽ giúp người bị Alzheimer cảm thấy yên tâm hơn. (Ảnh: phunuvietnam.vn) |
Tăng cường giao tiếp: Người bệnh Alzheimer cũng cần được giao tiếp, trò chuyện để họ cảm thấy được quan tâm. Khi nói chuyện bạn nên đứng gần họ, nắm tay, mỉm cười và nhìn vào ánh mắt của họ. Nên nói chậm rãi, sử dụng những câu đơn giản và tuyệt đối không thúc giục họ trả lời cũng như không được nổi nóng.
Hỗ trợ vận động: Nên hướng dẫn cho bệnh nhân Alzheimer những bài tập đơn giản như nắm tay họ đi dạo, vận động tay, chân để tăng cường sự khỏe mạnh, sức chịu đựng và giúp họ duy trì khả năng vận động.
Bên cạnh chế độ ăn uống, luyện tập thể thao cũng là cách để bệnh nhân Alzheimer kiềm chế sự phát triển nặng hơn của bệnh. (Ảnh: namlinhchi) |