Vì sao nên ăn gạo còn cám thay vì gạo trắng?
- Thứ ba - 05/12/2017 15:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo tiến sĩ Đỗ Thị Phương Hà, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay thị trường thường bán các loại gạo rất trắng này. Do quá trình xay xát kỹ, gạo trắng đã mất đi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như các vitamin nhóm B nhất là vitamin B1, chất xơ…
Vì thế, tiến sĩ Hà khuyên bà nội trợ nên chọn các loại gạo không xay xát quá kỹ cho bữa ăn hàng ngày. Gạo lứt là gạo không bị xay xát kỹ, vẫn còn lớp cám gạo bên ngoài hạt gạo, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và đã được chứng minh có tác dụng hỗ trợ cơ thể kiểm soát đường huyết, hỗ trợ dự phòng và điều trị bệnh đái tháo đường.
Bên cạnh đó, nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác nhau (như khoai lang, khoai tây, ngô …) để làm đa dạng bữa ăn và các chất dinh dưỡng, tăng cường lợi ích cho sức khỏe.
“Người Việt thường có thói quen ăn nhiều cơm, do đó tính cân đối của khẩu phần không được đảm bảo. Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-67% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo, chất đạm cung cấp”, tiến sĩ Hà cho biết.
Mỗi người trưởng thành có mức lao động thể lực trung bình nên ăn trung bình mỗi bữa hai bát cơm.
Dinh dưỡng là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ vòng đời sẽ tạo ra sự tăng trưởng và phát triển tối ưu cho thai nhi và trẻ nhỏ, phòng chống hữu hiệu đa số bệnh tật. Vì thế, bữa ăn gia đình có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng cùng chất lượng.
Một bữa ăn cân đối cần có đủ các nhóm thực phẩm gồm ngũ cốc, đạm, nhóm chất béo và nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất; hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, đường. Trong đó, ngũ cốc là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Trong nhóm này gạo là lương thực phổ biến được sử dụng nhiều nhất.