Hỗ trợ trực tuyến Tư vấn Online

DINH DƯỠNG TRONG LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI VIỆT NAM

Trong những năm vừa qua, ngay cả khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước thì hoạt động dinh dưỡng điều trị trong các bệnh viện vẫn tiếp tục được quan tâm đảm bảo góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.
DINH DƯỠNG TRONG LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI VIỆT NAM

CHÚNG TA HÃY CÙNG QUAN TÂM ĐẾN VẤN ĐỀ DINH DƯỠNG TRONG LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI VIỆT NAM

    Hoạt động Dinh dưỡng trong khám chữa bệnh nói chung cũng như tại các bệnh viện Việt Nam đang từng bước phát triển, các thông tư của Bộ Y tế từ lâu cũng đã chỉ đạo hoạt động dinh dưỡng tại bệnh viện không phải chỉ có khám đánh giá tình trạng dinh dưỡng tại bệnh viện, lập kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng mà đã nói đến chỉ định các chế độ ăn dinh dưỡng điều trị, chỉ đinh đường nuôi, chỉ định tiết chế khẩu phần theo từng bệnh, theo dõi đánh giá kết quả dinh dưỡng điều trị cho từng người bệnh.

    Trong những năm vừa qua, ngay cả khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước thì hoạt động dinh dưỡng điều trị trong các bệnh viện vẫn tiếp tục được quan tâm đảm bảo góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh. Viện Dinh dưỡng quốc gia và các cơ sở đào tạo các mã ngành sức khỏe trong cả nước đã tăng cường các loại hình đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo liên tục nhằm nâng cao kỹ năng liên quan đến Dinh dưỡng lâm sàng cho người học. Hội Dinh dưỡng Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học về Dinh dưỡng lâm sàng tại nhiều vùng miền trong nước.

    Như vậy Luật Khám bệnh, chữa bệnh không thể đi sau thực tiễn khách quan và đẩy lùi sự phát triển của Dinh dưỡng trong khám chữa bệnh. Nếu Dinh dưỡng trong khám, chữa bệnh mà chỉ tư vấn dinh dưỡng thì không còn là dinh điều trị và hậu quả không chỉ là kéo dài thời gian nằm viện, tăng nguy cơ tử vong mà nguy hại hơn là người bệnh mạn tính tuy được xuất viện nhưng ngày càng tăng các biến chứng nặng thêm do thiếu dinh dưỡng điều trị. Do vậy với người bệnh mạn tính thì dinh dưỡng điều trị gắn liền với họ theo vòng khép kín từ bệnh viện đến cộng đồng và từ cộng đồng đến bệnh viện.

    Bản thân tôi thật mừng vì đã ủng hộ bầu TRẦN KHÁNH THU là đại biểu Quốc hội khóa XV. Tôi có thể thay mặt Hội Dinh dưỡng Việt Nam và những người làm Dinh dưỡng Việt Nam gửi lời hoan nghênh và cảm ơn bài phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào chiều ngày 6 tháng 1 vừa qua của ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) tại Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường 2.
    Kính mong mọi người tiếp tục lưu tâm đến vấn đề Dinh dưỡng Việt Nam trong luật Khám bênh, chữa bệnh. Để mọi người cùng quan tâm thảo luận, tôi xin trích đăng lại nguyên văn phần liên quan đến Dinh dưỡng trong bài phát biểu của ĐBQH, Tiến sỹ Trần Khánh Thu:
          “ Để hoàn thiện Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; tôi xin tham gia 1 số  ý kiến như sau:
Về Dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh, Điều 67 của Dự thảo Luật quy định nhưng giữa 2 khoản đang có sự không thống nhất với nhau:
- Tại khoản 1 của Điều 67 quy định: Dinh dưỡng trong khám bệnh chữa bệnh là hoạt động dinh dưỡng lâm sàng….

- Nhưng tại Khoản 2 Điều 67 của Dự thảo Luật quy định: Nội dung của hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Khám, đánh giá, phân loại mức độ SDD, tư vấn, hướng dẫn dinh dưỡng và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh…” Không bao gồm hoạt động “chỉ định điều trị hay can thiệp điều trị” 
Theo hướng dẫn của ESPEN thì Dinh dưỡng lâm sàng là tổng hợp các hoạt động Khám, đánh giá, chẩn đoán, chỉ định điều trị, can thiệp điều trị, theo dõi, tiên lượng về dinh dưỡng trên 1 người bệnh và đã được biên soạn thành guideline áp dụng ở các bệnh viện từ trên 20 năm nay

+ Tại Việt Nam, khi chưa có Luật khám bệnh, chữa bệnh thì hoạt động dinh dưỡng lâm sàng (trong đó chỉ định chế độ ăn cho người bệnh) đã được quy định tại quy chế hoạt động khoa Dinh dưỡng Bệnh viện trong mục 28 phần 5 Quy chế Bệnh viện do Bộ Y tế ban hành năm 1997. Và gần đây nhất Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 18/2020 có hiệu lực từ 1/1//2021 thay thế Thông tư 08 quy định về Hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện bao gồm: Sàng lọc yếu tố nguy cơ dinh dưỡng, tư vấn, chỉ định chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ngoại trú…;… Khám, chẩn đoán, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chỉ định điều trị và theo dõi tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh nội trú”.
    Như vậy nếu theo khoản 1 của Dự thảo Luật quy định thì được hiểu đầy đủ như trong Thông tư của BYT đã hướng dẫn nhưng tại khoản 2 lại loại bỏ hoạt động chỉ định điều trị dinh dưỡng, can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh
    Suy dinh dưỡng trong cộng đồng đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thể chất của người Việt Nam nhưng suy dinh dưỡng trong bệnh viện còn đáng báo động hơn rất nhiều. Theo nghiên cứu từ các bệnh viện trong nước, suy dinh dưỡng bệnh nhân trong bệnh viện chiếm từ 40-50% (Gặp cả ở người trưởng thành và trẻ em); nên việc điều trị SDD không chỉ thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất, Vitamin, acid amin, potein, lipid, glucid… mà người bệnh thiếu hụt. Trong thực tế, có những người bệnh không bị suy dinh dưỡng, không bị thiếu hụt các chất mà vẫn rất cần chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý. Ví dụ Một bệnh nhân trẻ, nghề nghiệp công nhân, được chẩn đoán loét bỏng thực quản do uống nhầm thuốc tẩy rửa. Người bệnh được mở thông dạ dày ra da để nuôi ăn qua ống thông. Bệnh nhân này đang khỏe mạnh, thể trạng rất tốt, không bị suy dinh dưỡng. Bác sĩ điều trị/ bác sỹ dinh dưỡng vẫn phải chỉ định dinh dưỡng qua ống thông dạ dày bằng chế độ ăn lỏng xay nhuyễn, được tính toán giá trị dinh dưỡng (calo, protid, lipid, glucid… từ thực phẩm) để đáp ứng với bệnh lý nặng và ngăn ngừa suy dinh dưỡng, giúp người bệnh được nuôi dưỡng đầy đủ, sớm hồi phục.
    Hay đặc biệt ở những người bệnh bị nhiễm độc và nhiễm khuẩn thở máy nằm ở các trung tâm ICU không có người nhà chăm sóc, nếu chỉ dừng ở tư vấn và hướng dẫn thì không đủ cơ sở, căn cứ pháp lý cho cán bộ y tế làm nhiệm vụ (Tình huống xảy ra: Người hành nghề vẫn chỉ định nuôi dưỡng người bệnh trong khi Luật không cho phép, khi có xảy ra sự cố không mong muốn với người bệnh thì việc xác định nguyên nhân và xử lý theo đúng Luật, đúng quy định sẽ như thế nào cho người hành nghề??? ) Điều naỳ có phù hợp với quy định tại điều 45 nghĩa vụ của người hành nghề là chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình; khi việc chỉ tư vấn và hướng dẫn người bệnh có thực hiện hay ko người hành nghề ko thể kiểm soát được.

    Dinh dưỡng lâm sàng thực sự là một ngành khoa học có tác dụng trực tiếp tới nhiều căn bệnh có nguyên nhân. Can thiệp dinh dưỡng đã và đang được thực hiện, là liệu pháp điều trị thực hiện bởi các chuyên gia dinh dưỡng được đào tạo. Hoạt động điều trị dinh dưỡng trong bệnh viện là hoạt động ngăn ngừa làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện để giảm tỷ lệ biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong, giảm ngày điều trị và giảm chi phí điều tri cho người bệnh chứ không chờ người bệnh suy dinh dưỡng mới điều trị.

    Chính vì vậy, tôi đề nghị chỉnh lý điểm a khoản 2 Điều 67 như sau: a) Khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, tư vấn, chỉ định chế độ dinh dưỡng điều trị phù hợp bệnh lý, tình trạng dinh dưỡng, tiêu hóa và hấp thu, theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh nội trú trong quá trình điều trị; ”


    Kính mong mọi người tiếp tục lưu tâm đến vấn đề Dinh dưỡng Việt Nam trong luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bản thân tôi, tôi khẳng định lại là rất ủng hộ ý kiến của ĐBQH Trần Khánh Thu, mong rằng ý kiến này sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét để tiếp tục thảo luận, chỉnh lý điểm a khoản 2 Điều 67 cho hợp lý với thực tế Việt Nam và theo kịp với thế giới.

Tác giả bài viết: NGND.PGS.TS. Phạm Ngọc Khái - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết